Giữa lúc cao điểm chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp tham dự cuộc họp nóng của Chính phủ về giải pháp điều chỉnh giá thịt lợn cùng thể hiện sự đồng lòng san sẻ gánh nặng và trách nhiệm chính trị với Chính phủ.

15/15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi đồng thuận đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 tới.

Trước tình trạng giá thịt lợn trên thị trường chệnh lệch cao so với giá trị sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản. Theo đó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4 năm 2020 đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi, khoảng 60 nghìn đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp.

Trách nhiệm kép của ngành kinh tế thế mạnh

” Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai nhập khẩu thịt lợn ngay trong tháng 4 năm 2020 đảm bảo tổng số lượng nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn.

Ngay sau chỉ đạo trên, 15/15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi tham dự cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã biểu quyết bằng cách giơ tay đồng thuận đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 tới đây. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đưa giá từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 và lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.

Đánh giá việc đồng thuận giảm giá lợn hơi của các doanh nghiệp lần này, Phó Thủ tướng khẳng định, đây không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn là trách nhiệm chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. “Trong đại dịch COVID-19, nhiều người dân mất việc làm, lại phải mua giá thịt lợn cao thì đời sống khó khăn. Đa số người trong số họ lại là người làm công ăn lương” Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh phòng, chống dịch, đồng thời phải duy trì phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống của người dân, trong đó đặc biệt phải tập trung phát triển nông nghiệp. “Đây là ngành kinh tế có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong các thời kỳ khó khăn, chiến tranh, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu… Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh rõ điều này”, Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn ở mức cao, đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thực hiện yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, thời gian qua, một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, nhưng trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức rất cao.

Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng xoay quanh 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140.000 đồng/kg.

“Các doanh nghiệp đều chung tay với định hướng của Chính phủ, tuy nhiên giá lợn vẫn có chênh lệch cao đã phản ánh vấn đề về cung – cầu. Cùng với đó nằm ở vấn đề giá khâu trung gian, cần kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Đào Mạnh Lương, TGĐ CTCP Tập đoàn Mavin chia sẻ với DĐDN.

Cùng quan điểm, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “Thực trạng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Căn cơ phải là chuỗi giá trị khép kín

Trên thực tế, trong những năm gần đây ngành chăn nuôi lợn phải đối mặt với khó khăn liên tiếp. Năm 2017, giá lợn rớt mạnh, có thời điểm giá bán chỉ bằng 50% giá thành, nhiều doanh nghiệp phải phá sản. Đến năm 2019, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, các doanh nghiệp thúc đẩy tái đàn và giá cả phục hồi nên đã lấy được chút ít. Tuy nhiên, nguồn cung còn thấp hơn cầu khiến giá bán vẫn cao. Cùng với đó, mức giá đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao do trung gian “ăn dày”. Giải pháp về tái đàn và tăng nhập khẩu vì thế được đưa ra.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam lại có lo ngại việc thúc đẩy tái đàn mà quản lý không tốt thì sớm muộn chúng ta lại phải giải cứu thịt lợn.

“Khi dư thừa nguồn cung do tăng đàn quá nóng, chúng ta loay hoay tìm hướng xuất khẩu nhưng không tìm ra”, ông So nói và lo lắng việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn hiện nay không phải là giải pháp thuyết phục, lợi bất cập hại và có thể gây bất ổn ngành chăn nuôi lợn.

Để phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững, Chủ tịch Dabaco cho rằng việc thúc đẩy tái đàn phải gắn với chế biến, giết mổ tập trung và đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp lớn, chăn nuôi quy mô công nghiệp, hiện đại tham gia mở chuỗi giá trị khép kín.

Đồng thời, doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn hoặc dự trữ quốc gia, đồng thời đưa vào mặt hàng được bảo hiểm nông nghiệp. “Hiện nay, chính sách không ít nhưng thực sự không thân thiện, đồng bộ, khả thi và trúng đích”, ông So kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Đào Mạnh Lương, TGĐ CTCP Tập đoàn Mavin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần ban hành Nghị định chuyên về phát triển chăn nuôi lợn, trong đó đưa ra các chính sách toàn diện để phát triển về vốn, đất đai, vùng an toàn dịch bệnh và hướng tới chăn nuôi lợn phục vụ xuất khẩu trong tương lai.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Massan, GreenFeed… đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và hiện đã hạ giá bán heo hơi xuống 73.000 – 76.000 đồng/kg. Song vẫn có nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết.

Ngoài tái đàn, giảm giá heo hơi, chính sách nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá cũng được thực hiện song song. Cập nhật đến ngày 27/3, cả nước đã có 39.191 tấn thịt heo các loại được nhập khẩu, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập nhiều nhất từ Canada gần 26%, Đức 20,6%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, LB Nga 2,62%…

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Trong quý I/2020, dự tính tổng thịt lợn trong nước cung ứng ra thị trường giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019. Tổng đàn lợn của cả nước hết tháng 2/2020 đạt 22,5 triệu con, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, đây là nguyên nhân chính khiến giá lợn bị đẩy lên cao trong thời gian qua.

Cùng với đó, doanh nghiệp bán 70.000 đồng/kg thịt lợn hơi nhưng ra thị trường thì đội lên 75.000-83.000 đồng/kg, đặc biệt, thịt bán tại các chợ, cửa hàng vẫn ở mức cao từ 120.000 -150.000 đồng/kg là do các thương lái phải chi phí cho công vận chuyển, rồi hao hụt…