Thoang thoảng trong không gian mùi hương trầm nhẹ nhàng, dịu ngọt, mùi của bánh mứt, mùi của cỏ cây hoa lá… làm lòng người lại thêm háo hức chờ mong Tết đến thật gần.

Tết là dịp để mọi người tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê có cơ hội về đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, người thân của mình sau một năm làm việc vất vả và cùng nhau đón chào những điều may mắn của năm mới. Thế nhưng cuộc sống hiện đại, xô bồ khiến con người ta ngày càng sống vội mà quên đi giờ phút thiêng liêng sum họp những ngày Tết, cùng tản mạn ngẫm về Tết xưa – Tết nay trong khoảnh khắc giao thời.

cho-que-1

Ngày trước, Tết được các bà mẹ chuẩn bị hàng tháng trời, nào là tiền để mua sắm quần áo mới cho bọn trẻ con, gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói bánh chưng rồi vỗ béo mấy đàn gà dành riêng ngày Tết, những hũ dưa hành ngâm để muối dành ăn tết… chẳng thế mà trong tiềm thức người Việt, Tết luôn là ngày mà người ta để dành những gì tốt nhất, ngon nhất để đón rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Tôi còn nhớ những ngày giáp Tết mẹ tôi lại tất bật chợ búa mua đủ thứ nào thịt thà, miến dong, chuối, bưởi, hương vàng, bánh kẹo… cứ đi đi về về mấy lượt mà vẫn quên mua. Bố thì ngược xuôi với những chậu hoa mào gà đỏ thắm, hay những cành đào phai. Rồi cả nhà cùng nhau đi tảo mộ, dọn dẹp mộ phần sạch sẽ thắp những nén hương thơm lâm râm khấn vái mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Những lần như thế bố lại nói cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của những ngôi mộ, đây là mộ của ai, chúng tôi phải xưng hô như thế nào để chúng tôi luôn nhớ và biết ơn về những người đã khuất.

Ngày 30, cả nhà lại cùng bên nhau gói bánh chưng. Bố trải chiếc mâm nhôm xếp từng tàu lá dong, đong gạo nếp, đỗ xanh từ chậu cùng với thịt ba chỉ ướp hạt tiêu trong chiếc bát to để gói bánh chưng, lũ trẻ con chúng tôi cứ vây quanh để ngắm nhìn bố gói bánh, háo hức đợi cho mình được bố gói cho những chiếc bánh nhỏ xinh rồi quây quần bên nhau trông nồi bánh chưng bên bếp lửa bập bùng, nướng ngô, khoai, sắn… chờ mẹ nấu chè kho để cúng giao thừa.

Còn Tết nay không khí cũng khác xưa nhiều. Người ta không còn mong chờ Tết với tâm trạng háo hức, đợi chờ như xưa nữa phải chăng vì cuộc sống hối hả, tất bật mà người ta quên mất sự hiện diện của Tết. Trẻ con không còn háo hức chờ Tết đến để được ăn ngon, được trưng diện những bộ quần áo mới chạy khắp xóm làng. Các bà mẹ cũng không cần phải tất bật, hối hả chuẩn bị Tết trước cả tháng mà chỉ cần qua siêu thị hay một cú click chuột là có ngay: bánh, mứt, hoa quả, thịt thà… đầy đủ, đẹp mắt. Có phải vì mọi thứ đều có sẵn mà Tết giảm đi hương vị? giảm đi không khí? Mâm cơm ngày Tết cũng không khác ngày thường là mấy. Tết đến nhanh mà đi cũng nhanh như cái cách người ta chuẩn bị đón Tết trong thời buổi công nghệ.

Nhớ ngày trước, Tết là dịp để mọi người cùng nhau đi chúc Tết từng nhà gặp nhau là hỏi “Năm nay ăn Tết có to không?” để hỏi thăm nhau về một năm làm ăn được, mất, thịnh vượng hay khó khăn, còn giờ đây Tết không còn là ngày để “ăn” mà là ngày để “nghỉ” để “chơi” Tết. Ngày Tết mọi người tranh thủ nghỉ ngơi cùng nhau đi du lịch thoải mái với gia đình, bạn bè, xả stress sau một năm làm việc vất vả. Rồi gửi những lời chúc Tết qua những ứng dụng online mà chỉ cần ngồi một chỗ.

Nhưng dù là xưa hay nay thì Tết vẫn là dịp để con người ta hướng tới gia đình, quê hương vẫn là ngày vui vẻ nhất trong năm để con cháu trở về, đoàn viên quây quần bên ông bà, bố mẹ, ôn lại những thành quả, được mất sau một năm lao động và làm việc vất vả để cùng cố gắng cho năm sau.