Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm; các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện quyết tâm và tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề đông đảo cử tri quan tâm.
Quốc hội dành cả ngày hôm nay (4/11) để thảo luận tại Hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội.
Có 59 đại biểu Quốc hội của tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu; có 6 đại biểu tham gia tranh luận; còn 26 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đã được đề nghị gửi ý kiến về Ban Thư ký để tổng hợp.
Tại thảo luận, có 3 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kinh tế – xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và thiên tai bão lũ miền Trung. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư và sự lỗ lực quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nên kinh tế – xã hội của đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển, dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GDP ước tăng 6,8% đến 7%, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về xã hội.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng đạt những bước phát triển mới. Quan trọng, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương cơ sở mức cao, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng.
Thành tựu là cơ bản nhưng các đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm để đạt được kết quả cao nhất về phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024; cho rằng năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm 2025 góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát phát triển sản xuất kinh doanh
Cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2025 nhưng các đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kết luận của Trung ương, nhất là Kết luận 97 của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về kinh tế – xã hội năm 2024 – 2025.
Các đại biểu cũng đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” kinh tế – xã hội của đất nước để tiếp tục phục hồi và phát triển, chủ động phòng chống, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi nợ công, ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, điều tiết tốt thị trường, cân đối cung cầu, có giải pháp chấm dứt việc đầu cơ, thổi giá bất động sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Một số đại biểu đề cập đến vấn đề tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát phát triển sản xuất kinh doanh; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả với điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và bão lũ miền Trung cũng như có cơ chế chủ động, kịp thời, phòng chống và khắc phục hậu quả của thiên tai.
Các ý kiến thảo luận đề nghị tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật theo tinh thần đổi mới tư duy và phương thức xây dựng pháp luật, quyết liệt triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng phát triển công nghệ cao, chip bán dẫn, chuyển đổi xanh, an toàn của các công trình điện.
Trong lĩnh vực xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu lưu ý tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân và giải quyết các vấn đề còn tồn tại của 2 bệnh viện ở cơ sở 2 của Bạch Mai và Việt Đức; cần chú ý vấn đề lao động việc làm, chính sách dân số nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có công, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu và an ninh an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đồng thời tham gia thêm một số ý kiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thi hành các luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và sử dụng đất.
“Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết trong các Nghị quyết của Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu./.
Hải Giang