Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án.
Tại văn bản số 4620/BGTVT-VT, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).
Bộ Giao thông vận tải cho biết, khi góp ý với hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vào tháng 10/2019, trong đó Bộ Giao thông vận tải đã đánh giá giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá. Dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và đạt xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025.
Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng tàu bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 tàu bay vào năm 2020 và 384 tàu bay vào năm 2025 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250 nghìn khách/tàu bay/năm).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong tình hình mới, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng.
Theo thông tin ngày 21/4/2020 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), IATA dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không, kêu gọi Chính phủ các nước có các biện pháp khẩn cấp để trợ giúp các hãng hàng không tồn tại, bảo vệ việc làm cho người lao động.
Đối với Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% so với dự báo nêu trên. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.
Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo đã báo cáo, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo đã báo cáo. Như vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.
Theo DĐDN