Trong bối cảnh “đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác” đang được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đón nhận bằng nhiều “làn sóng FDI” khác nhau để hợp tác đầu tư trong những năm qua.
Không thể phủ nhận, nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đến từ nước ngoài (FDI) đang từng ngày làm “thay da đổi thịt” tại nhiều địa phương tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, đằng sau các dự án sử dụng nguồn vốn FDI hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho những năm tiếp theo để tạo dựng một bức tranh kinh tế trong nước được phát triển bền vững.
Lợi thế “hút” nguồn vốn FDI
So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam hiện vẫn xem là địa chỉ an toàn, tin cậy để các nhà đầu tư FDI có thể khảo sát và sớm ra quyết định lựa chọn địa điểm để đầu tư. Đặc biệt, với thể chế chính trị – xã hội ổn định, an ninh vững chắc, nhiều cơ chế thông thoáng, liên tục thúc đẩy vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…từ Trung ương đến từng địa phương nên đã xuất hiện các cuộc đợt di cư của những “đại bàng lớn” đến khu vực miền Trung Việt Nam “làm tổ” với nhiều dự án hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD cũng đã xuất hiện.
Mặt khác, với đặc thù có nguồn lao động trẻ, trình độ đào tạo, kỹ năng tay nghề ngày càng cao nên Việt Nam đã giải phóng được số lượng lớn việc làm thông qua các dự án FDI khi đi vào vận hành hoạt động. Còn nữa, so với mức thù lao mà doanh nghiệp phải bỏ ra chi trả, Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung nói riêng vẫn còn được xem là nơi có lao động giá rẻ là đặc thù để nhiều nhà đầu tư FDI hướng tới.
Cùng với đó, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định hợp tác thương mại với các nước trên thế giới như: EVFTA (Liên minh châu Âu-Việt Nam); RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực); UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt Nam)…đã tạo ra nhiều lợi thế và cơ hội để mở rộng hợp tác đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong 10 năm trở lại đây, khu vực miền Trung của Việt Nam như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hấp dẫn hơn so với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippnes trong khối ASEAN. Chưa kể, trong tuyên bố về môi trường đầu tư năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá “môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam phần lớn ổn định”.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký FDI cấp mới có 1.627 dự án với số vốn đạt 7,94 tỷ USD, (chiếm 48,9% tổng vốn đăng ký) tăng 75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,14 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng vốn đăng ký), tăng mạnh 60,7%. Và, chỉ tính riêng vốn đăng ký điều chỉnh với số vốn đầu tư tăng thêm 4,16 tỷ USD (chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký), giảm 42,5% nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 27,1% so với cùng kỳ…
Cần “chọn mặt gửi vàng”
Không thể phủ nhận những dấu hiệu tích cực mà dự án FDI đã và đang mang lại nhiều lợi thế trong tiến trình phát triển cho Việt Nam trong suốt gần một thập kỷ qua. Điều này cũng đã minh chứng cho việc Việt Nam đang trở thành địa chỉ đáng tin cậy để các nhà đầu tư FDI trên thế giới tìm đến để hợp tác cùng phát triển.
Tuy nhiên, với mật độ “phủ sóng” của dự án FDI như trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề để Việt Nam “chọn mặt gửi vàng” nhằm tránh các hệ luỵ xấu về môi trường, công nghệ, chuyển giá – trốn thuế… Bởi thực tế, thời gian qua đã xuất hiện không ít doanh nghiệp FDI vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, sử dụng lao động nước ngoài trái phép, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội.
Vấn đề này cũng đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Cụ thể, Nghị quyết số 50-NQ/TW nêu rõ “thu hút, hợp tác với nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Nghị quyết này được xem như động thái “nắn” lại dòng vốn FDI phải đi đúng hướng, đúng mục tiêu nhằm tránh những bài học đắt giá cho việc phát triển nền kinh tế nước ta trong những năm tiếp theo. Vấn đề không thể thu hút nguồn vốn FDI bằng mọi giá, tránh sự lệch pha về việc mỗi địa phương sẽ đưa ra một cơ chế, chính sách thu hút dự án FDI, gây ảnh hưởng chung về tư duy vĩ mô phát triển.
Đáng quan tâm, nếu chúng ta quá đặt nặng vấn đề ưu tiên hàng đầu trong việc thu hút các dự án FDI mà không chú trọng tới việc tạo cơ chế, chính sách, môi trường tối ưu cho doanh nghiệp trong nước được phát triển sẽ tạo ra bức tranh tăng trưởng “lệch pha” về lâu dài.
Từ những thực tế nói trên cho thấy, đã đến lúc cần phải tạo thế “thăng bằng” không chỉ đối với dự án FDI mà cần thiết phải “chọn mặt gửi vàng” đối với tất cả các dự án khi thu hút đầu tư, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” gây ra nhiều hệ luỵ xấu đối với kinh tế – xã hội cho từng vùng, địa phương…
Ngọc Thái