Hôm nay, Quốc hội bắt đầu 3 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.

quoc-hoi

Sáng ngày 3/11, Quốc hội bắt đầu 3 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020.

Việt Nam nằm trong số ít những nước có mức tăng trưởng dương

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh thế giới đã có 31 triệu người mắc COVID-19 với hơn 1 triệu người tỷ vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận.

Trong đó, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới như trên. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực.

Kết quả đạt được trong việc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đánh giá năm 2020 có nhiều thách thức như hạn mặn đầu năm, dịch bệnh COVID-19, những ngày qua thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao.

Theo báo cáo của Chính phủ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.

Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 – 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 – 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.  Đồng thời, chúng ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh.

Cần nhiều kịch bản tăng trưởng 2021

Đặt vấn đề về mục tiêu năm 2021 bao nhiêu là phù hợp, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, Chính phủ đặt ra kế hoạch phát triển năm 2021 với mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, trong đó chỉ tiêu tăng GDP từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.

Đại biểu kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cầm thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021.

tran-hoang-ngan

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.

Đại biểu cho rằng, năng suất lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm, nhưng tăng năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động. Đại biểu đề nghị phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương…

Trong trước đó, tại phiên thảo luận tổ về nội dung này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau chứ không chỉ có một kịch bản trình Quốc hội thảo luận là tăng trưởng GDP 6%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.

Theo các Đại biểu, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép là phù hợp, tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh, bởi nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì mục tiêu phát triển kinh tế cũng không đạt được. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đầu tư công, đẩy nhanh các gói hỗ trợ, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thông qua hình thức trực tuyến để hàng hóa đi ra nước ngoài, có cơ chế thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.