Việt Nam là một trong những nước có mức thu thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới; đóng góp từ thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia chỉ bằng 1 phần 5 so với chi phí tiêu thụ thuốc lá.
Thuốc lá và khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều các loại bệnh nguy hiểm như: Bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản; ưng thư phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày…
Việc giảm sử dụng thuốc lá và những gánh nặng do thuốc lá gây ra là hết sức cần thiết.
Ngày 20/9 tại Hà Nội, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe” để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, những năm gần đây đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên tác động của mức tăng thuế đối với giá thuốc lá là không đáng kể, do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc.
BS Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.
Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Ngoài ra, hàng năm có đến 49.000 tỷ đồng được chi cho mua thuốc lá.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá sợi, thuốc lào và các dạng thuốc khác… có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này đã đưa các mặt hàng này vào. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Trước quan ngại về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh, lo ngại về việc làm, lo ngại về buôn lậu, ThS Đào Thế Sơn – chuyên gia kinh tế cho rằng, những lo ngại về việc làm là thiếu cơ sở và bị phóng đại.
Bởi việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39 – 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số liệu thống kê thực tế cho thấy, ngay cả khi không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm, do tác động của cải tiến công nghệ. Do thuốc lá là một ngành sử dụng ít lao động hơn các ngành khác nên tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá, nhưng lại làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác sử dụng nhiều lao động hơn, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế.
Trước những tác động, gánh nặng trực tiếp do tiêu thụ thuốc lá gây ra và tác động tổng thể của việc tăng thuế thuốc lá là tích cực nhưng Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ chuyển dịch lao động. Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Bên cạnh đó, thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm để chống xói mòn do lạm phát và tăng trưởng thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm.
Bà Hoàng Thị Thu Hương – Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải ở mức đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng. Cần tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70 – 75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO”.
Đỗ Khuyến