Chuyển tới nội dung

Tăng “sức đề kháng” cho hệ thống đô thị Việt Nam

Đô thị hóa nhanh nhưng không bền vững đang khiến đô thị Việt Nam đối diện với những thách thức mới về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, trong khi quỹ đất đang ngày một cạn dần.

Thu-truong-hung

Các đại biểu tham gia Hội thảo đô thị hoá Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh

Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng, Diễn đàn đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tuyến nhằm chào mừng Ngày đô thị Việt Nam 8/11/2021.

Nhiều thách thức mới

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, trong gần 35 năm qua, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, hệ thống đô thị được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đều trên cả nước. Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế – xã hội của các vùng và cả nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đó, phát triển đô thị tại Việt Nam còn một hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban KTTW cũng cho biết đại dịch đã đặt ra những vấn đề cho quá trình đô thị hóa như: Những lo ngại về việc phát triển của các đô thị lớn với mật độ dân cư cao; Bất bình đẳng xã hội tại các đô thị; Yêu cầu về tái tổ chức không gian đô thị; Tái tổ chức hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng và các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người dân.

Đồng thời, dịch bệnh COVID-19 nói riêng và dịch bệnh trong tương lai nói chung đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải phát triển các đô thị theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường. Đại dịch còn làm bộc lộ ra tính dễ bị tổn thương của các đô thị trên toàn cầu.

Các đô thị có nền kinh tế chủ đạo dựa vào phát triển công nghiệp hay du lịch, các đô thị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm đều gánh chịu thiệt hại rất nặng nề. Điều này đặt ra yêu cầu về việc chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo cơ cấu kinh tế đa dạng hơn và khả năng tự cung tự cấp của các đô thị phải tốt hơn.

Cấp thiết phát triển đô thị bền vững

Góp ý tại Hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho biết, đối diện với những thách thức trên, quá trình quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hiện nay đòi hỏi tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Để giải quyết những thách thức mà các đô thị đang phải đối mặt với những hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai chính là khả năng thích ứng của đô thị. Khi đó, phải coi biến đổi khí hậu là thay đổi điều kiện tự nhiên, chứ không nhất thiết chỉ là thảm hoạ.

do-thi-viet-nam

Đô thị Việt Nam đặt ra yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng, bằng cách định hướng phát triển hài hoà, phù hợp với điều kiện tự nhiên trong mọi lĩnh vực.

Để tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế các khu dân cư đô thị cần phải tính yêu cầu về hệ số sử dụng đất, bao gồm tỷ lệ diện tích sàn (FAR), mật độ xây dựng và tỷ lệ không gian xanh – để đảm bảo có đủ không gian xanh, không gian giải trí cho người dân và không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho con người và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.

Mặt khác, các khoảng trống trong khung pháp lý và chính sách về sức khỏe, môi trường, hạ tầng kỹ thuật cần thiết phải được bổ sung. Tăng cường sự kết nối giữa các Bộ ngành trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện những giải pháp xây dựng đô thị có khả năng thích ứng.

“Ở yêu cầu cao hơn, việc đánh giá tác động sức khỏe nên được sử dụng để đánh giá các dự án và xác định các kịch bản lập kế hoạch, trong đó lấy người dân là trung tâm” – KTS Trần Ngọc Chính khẳng định.

Mai An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved