Chuyển tới nội dung

Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch

Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, “hàng rào chắn” chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… Khi sức đề kháng suy yếu, hệ miễn dịch sẽ trở nên mỏng manh, yếu ớt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là COVID-19.

Vậy làm sao để tăng sức đề kháng, những đối tượng nào dễ bị suy giảm sức đề kháng?

– Người cao tuổi: Theo tuổi tác và bệnh lý, hệ miễn dịch của những đối tượng này bị “mài mòn”, các tế bào miễn dịch trở nên yếu ớt, già nua và chậm chạp hơn trong việc chiến đấu chống lại virus như khi trẻ tuổi.

– Người mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, gan, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, sử dụng thuốc (kháng sinh, thuốc chống viêm, corticosteroids, thuốc kháng miễn dịch, thuốc điều trị ung thư…), bị nhiễm các độc tố,…

– Trẻ em: Giai đoạn từ 6 tháng – 3 tuổi được coi là “khoảng trống miễn dịch” của trẻ, vì hệ miễn dịch chưa được phát triển hoàn thiện, trẻ rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng còn yếu.

– Phụ nữ mang thai: mẹ bầu cũng là đối tượng dễ bị suy giảm sức đề kháng tạm thời, phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng và khi mắc bệnh có thể dễ bị nặng, khó điều trị hơn so với người bình thường, lý do là một số loại thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai.

– Người mới ốm dậy: Sau khi bị ốm hoặc ốm dậy, tình trạng chung của người bệnh là cơ thể mệt mỏi, miệng đắng, ăn không ngon miệng, chán ăn, tinh thần kém… và đây là khoảng thời gian hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, tạo cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn, virus xâm nhập.

dk4-1200x676

Chế độ dinh dưỡng cân bằng là tiền đề cho việc giữ cơ thể khỏe mạnh (Ảnh: Internet)

Để có thể tăng sức đề kháng, đầu tiên chúng ta cần ghi nhớ rằng chế độ dinh dưỡng cân bằng là tiền đề cho việc giữ cơ thể khỏe mạnh. Một bữa ăn cần phải ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra để nâng cao sức đề kháng thì chúng ta cần phải ăn nhiều hoa quả và rau xanh kèm với uống nhiều hơn 1,5 lít nước trong 1 ngày.

Hiện nay, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là vô cùng quan trọng. Ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay, xúc miệng bằng nước sát trùng thường xuyên, để phòng dịch bệnh, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Dưới đây là một số thực phẩm nâng cao sức đề kháng

1. Tỏi: Đứng đầu trong danh sách các thực phẩm để phòng cúm chính là tỏi. Có thể sử dụng tỏi tươi trong nấu ăn hàng ngày. Hàm lượng tỏi theo khuyến cáo của các chuyên gia là từ 1-3 tép tỏi 1 ngày cho 1 người. Không nên ăn quá nhiều vì ăn quá nhiều cũng có thể gây độc. Chế biến tỏi nên đập dập hoặc cắt lát tỏi sau đó đợi 10-15 phút rồi hãy chế biến nhằm giữ lại tối đa công dụng của tỏi. Thêm nữa, khi chế biến không nên chế biến ở nhiệt độ quá cao. Nếu bổ sung tỏi bằng cách nấu nướng thì có thể dùng nhiều hơn 3 tép tỏi trong 1 ngày do trong quá trình nấu nướng một số công dụng của tỏi có thể mất đi phần nào.

2. Các trái cây thuộc họ cam quýt: Vitamin C chính là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng, bởi Vitamin C làm tăng sự sản xuất bạch cầu. Các trái cây chứa nhiều vitamin C bao gồm bưởi, những quả thuộc họ cam, quýt, chanh,… Do vitamin C không được dự trữ trong cơ thể nên việc bổ sung vitamin C phải đều đặn hàng ngày. Đối với người đau dạ dày có thể bổ sung vitamin C bằng một số loại như ổi, đu đủ, rau cải thìa, bắp cải, rau mầm,…Bổ sung vitamin tăng sức đề kháng cho bé bằng cách thêm trái cây vào khẩu phần ăn là vô cùng cần thiết.

3. Ớt chuông đỏ: Ớt chuông đỏ chứa nhiều vitamin C gấp 2 lần so với họ cam quýt. Ngoài ra ớt chuông đỏ cũng là nguồn cung cấp beta carotene dồi dào. Bên cạnh giúp tăng sức đề kháng, vitamin C còn có tác dụng giữ một làn da khỏe mạnh, còn beta carotene giúp cho mắt và da khỏe mạnh hơn.

4. Bông cải xanh: Bông cải xanh chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào như vitamin A, C, E và giàu hàm lượng chất C. Đây là loại rau tốt nhất cho sức khỏe nên bổ sung vào thực đơn các món ăn của cả gia đình. Chìa khóa để giữ các vitamin và khoáng chất trong bông cải xanh là thời gian đun nấu càng ngắn càng tốt, hoặc thậm chí là không cần đun nấu.

5. Gừng: Gừng có tính năng giúp giảm viêm, giảm đau họng và một số bệnh viêm khác. Ngoài ra nó còn giúp giảm cảm giác buồn nôn. Gừng giúp làm giảm các triệu chứng đau và làm chậm quá trình tạo cholesterol theo như một nghiên cứu mới đây trên động vật. Chế biến gừng vô cùng đa dạng, có thể dùng như gia vị trong bữa ăn, hoặc có thể dùng nấu chín, các gia vị ăn kèm, hoặc pha trà gừng để uống.

6. Rau bina: Rau bina chứa rất nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa, carotene, giúp tăng sức đề kháng và khả năng chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch. Việc nấu rau bina trong một thời gian ngắn giúp tăng cường vitamin A và các chất dinh dưỡng khác được giải phóng ra từ axit oxalic.

7. Sữa chua: Hãy dùng các loại sữa chua có các lợi khuẩn được ghi trên nhãn mác vì những lợi khuẩn này giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Tránh các loại sữa chua có nhiều đường. Bạn có thể làm sữa chua tại nhà bằng trái cây và thêm vào đó 1 ít mật ong. Sữa chua cũng chính là nguồn vitamin D tuyệt vời, vì vitamin D cũng chính là chất kích hoạt hiệu quả cho một hệ miễn dịch hoàn hảo.

8. Quả hạnh nhân: Khi nói đến việc ngăn ngừa và phòng chống cảm lạnh, việc bổ sung vitamin E cũng là cần thiết. Vitamin E là loại vitamin tan trong dầu. Nó cần một lượng chất béo thì cơ thể mới hấp thu được vitamin E. Vì vậy hạnh nhân chính là thực phẩm cung cấp vitamin E hoàn hảo, do nó có một lượng chất béo tốt cho sức khỏe. Một khẩu phần ăn gồm nửa cốc chứa 46 hạt hạnh nhân nguyên vỏ cung cấp 100% lượng vitamin E được khuyến nghị hàng ngày.

9. Nghệ: Nghệ được sử dụng nhiều nhất trong món cà ri, nhưng nó cũng được sử dụng như một chất chống viêm và chống đau xương khớp dạng thấp. Ngoài ra nồng độ curcumin cao có tác dụng giảm tổn thương cơ do tập thể dục.

10.Trà xanh: Trà xanh là một chất chống oxy hóa tuyệt vời, ngoài ra trà xanh giàu epigallocatechin gallate, hoặc EGCG, một chất oxy hóa mạnh mẽ khác trong khi EGCG là chất tăng khả năng sức đề kháng. Trà xanh cũng là một nguồn axit amin L-theanine tốt. L-theanine có thể hỗ trợ sản xuất các hợp chất chống vi trùng trong các tế bào T của bạn.

11. Đu đủ: Đu đủ là một loại cây khác chứa vitamin C hàm lượng cao. Ngoài ra đu đủ có một loại enzyme tiêu hóa là papain có tác dụng chống viêm. Đu đủ còn giàu Kali, vitamin B và folate dồi dào. Tất cả đều có lợi cho sức khỏe chung của bạn.

12. Quả kiwi: Giống như đu đủ, kiwi có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết, gồm folate, kali, vitamin K và vitamin C. Vitamin C có tác dụng tăng các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng trong khi các thành phần khác trong quả kiwi giúp cơ thể của bạn hoạt động tốt.

13. Thịt gà: Khi bạn bị ốm thì món cháo gà không chỉ giúp bạn có cảm giác ăn uống ngon miệng mà còn là một loại thuốc. Nó giúp cải thiện các triệu chứng cảm lạnh. Ngoài ra thịt gà cũng giàu vitamin B giúp lợi ích cho miễn dịch đường ruột, tăng sức đề kháng.

14. Động vật có vỏ: Động vật có vỏ chính là một trong những thực phẩm xuất hiện trong tâm trí chúng ta ngay lập tức khi muốn bổ sung kẽm. Kẽm tuy không được biết đến nhiều như vitamin và các khoáng chất khác nhưng có tác dụng cực tốt giúp các tế bào miễn dịch thực hiện được tốt chức năng của nó. Một số loại động vật có vỏ có thể kể đến là: cua, sò tôm, trai,…

 

Tú Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved