Theo ông Robert Greenan, Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng.
Ông Robert Greenan – Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án LinkSME đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam cùng các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (CSID) nhằm thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng.
“Tiếp cận thông tin, tăng cường kết nối và tham gia chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phục hồi sau những gián đoạn của chuỗi cung ứng do dịch COVID-19. USAID sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu” – ông Robert Greenan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Robert Greenan, để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng toàn cầu cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp ở mọi ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ giữ vai trò dẫn dắt, định hướng và tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, ngành nghề, lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển.
Theo bà Lê Bích Loan – Phó Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), thời gian qua, SHTP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp FDI đầu cuối.
Cụ thể, SHTP hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để tiếp cận thị trường; xây dựng và cập nhật dữ liệu nhu cầu dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ của các nhà sản xuất công nghệ cao cũng như thông tin của các nhà cung ứng trong nước trên Cổng thông tin CNHT của SHTP.
Bà Lê Bích Loan cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành CNHT trong nước kết nối, tiếp cận được với các doanh nghiệp FDI đầu cuối trong Khu Công nghệ cao TP.HCM, đơn vị này dành quỹ đất 162.000 m2 cho các doanh nghiệp CNHT trong nước đầu tư. Bên cạnh đó, khi đầu tư tại SHTP nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm, trong đó miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
“Ngoài các ưu đãi trên, các doanh nghiệp CNHT TP.HCM còn được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư dành cho CNHT của TP.HCM. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 7 năm, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho một dự án”. Bà Bính Loan thông tin thêm.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Jeff Nessim – Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật, Công ty Techtronic Industries (TTI) Việt Nam cho biết, TTI Việt Nam đang tập trung sản xuất sản phẩm, thiết bị sử dụng trong hộ gia đình bên cạnh những dòng máy móc, dụng cụ cầm tay đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Việc đầu tư hơn nửa tỷ USD vào Việt Nam cho thấy TTI đánh giá đây là thị trường tiềm năng và là điểm đến hấp dẫn.
“TTI đang có sự chuyển dịch các nhà máy từ khu vực Bắc Mỹ sang những khu vực khác như châu Á và hiện tại TTI đã có một nhà máy tại Khu công nghệ cao ở TP.HCM. Đây không chỉ đánh dấu sự tham gia của TTI vào thị trường Việt Nam mà còn thể hiện sự gắn kết với doanh nghiệp địa phương và tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Hiện nay, nhà máy TTI Việt Nam đã triển khai đầu tư khu vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển với mong muốn dịch chuyển thêm nhiều hoạt động vào Việt Nam” – ông Jeff Nessim chia sẻ.
Đình Đại