Phiên giao dịch ngày 25/3, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu Bluechip, giúp các chỉ số bật tăng mạnh mẽ.
Theo đó, các cổ phiếu BVH, GAS, VCB, PLX, PNJ, VTP… đã tăng trần trong phần lớn thời gian giao dịch ngày 25/3. Tiếp theo là các cổ Bluechip như PNJ, CTG tăng sát giá trần cùng hàng loạt cổ phiếu Bluechip khác như FPT, GAS, HPG, VNM, BID, MBB, MWG… đã thu hút dòng tiền. Đáng chú ý, các cổ phiếu họ Vingroup VIC, VHM, VRE liên tục nằm sàn trong nhiều phiên qua, đã lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch ngày 25/3.
Đà tăng không chỉ tập trung ở nhóm Bluechip mà làn tỏa khá tốt ra nhiều nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, cao su… giúp VN-Index tăng 4,71% lên mức 690 điểm sau nhiều ngày bị bán tháo. Nhóm cổ phiếu “họ Viettel” như VTP, VGI, VTK, CTR tăng khá mạnh, trong đó VTP tăng 14% sau thông tin kết quả kinh doanh tháng 2 tăng trưởng mạnh.
Dù vậy, khối ngoại vẫn bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 374 tỷ đồng, “hạ nhiệt” đôi chút so với những phiên gần đây. Lực bán của khối ngoại tập trung vào MSN (94,3 tỷ đồng), SVC (61 tỷ đồng), VRE (37,4 tỷ đồng), VHM (37 tỷ đồng)…
Tính từ đầu tháng 03 đến phiên 20/03/2020, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 6.740 tỷ đồng và phần lớn chủ yếu tập trung giao dịch trên khớp lệnh liên tục ở sàn HoSE. Đồng thời, các quỹ ETF cũng bị rút ròng ra hơn 1.238 tỷ đồng (chiếm gần 20% giá trị bán ròng của khối ngoại), nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ đà giảm của thị trường.
Theo các chuyên gia chứng khoán, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mua trái phiếu với số lượng không giới hạn nhằm giữ chi phí vay mượn ở mức thấp, cộng với việc Chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD, khiến đồng USD rớt giá (chỉ số USD giảm xuống mức 101 điểm), đã đem lại đà tăng cho các thị trường chứng khoán mới nổi khu vực, trong đó có thị trường Việt Nam…
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác. Điều này cũng sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư cần thận trọng trong những phiên tăng điểm trong thời gian tới, canh hạ tỷ trọng cổ phiếu, đầu tư cho mục đích dài hơi…
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên kế tiếp. Điểm tích cực là lực cầu đã cải thiện đáng kể và tâm lý cũng dần tích cực trở lại, áp lực giảm của thị trường chỉ bị tác động chính bởi bộ ba cổ phiếu nhóm VIC – VHM – VRE. Đồng thời, thị trường tiếp tục rơi sâu vào vùng quá bán cho thấy nhịp hồi phục kỹ thuật có thể sẽ còn xuất hiện trong vài phiên tới. Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn nên tiếp tục thận trọng ở nhịp hồi.
“Hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì ở mức giảm ngắn hạn trên hai chỉ số với mức kháng cự ở mức 732,53 điểm đối với VN-Index và 106,20 điểm đối với HNX-Index. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường và tận dụng các nhịp hồi phục để xem xét bán ra các cổ phiếu đã tham gia bắt đáy trước đó. Đồng thời, các nhà đầu tư nên hạn chế mua mới trong giai đoạn này”, các chuyên gia Yuanta Việt Nam khuyến nghị.