Chuyển tới nội dung

Tài nguyên nước: Cuộc chiến mới tại châu Á

  • bởi

Việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện bên trong lãnh thổ cũng như tham gia các dự án tại các nước ngoài khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng.

Châu Á vốn được xem là trung tâm xây dựng đập thuỷ điện của thế giới, với hơn một nửa trong số 50.000 đập lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự nhộn nhịp trong việc xây dựng và phát triển hệ thống đập thuỷ điện trong khu vực chỉ làm rõ nét các tranh chấp giữa các quốc gia về tài nguyên nước.

Việc tập trung vào xây dựng đập phản ánh mức ưu tiên liên tục trong thúc đẩy nguồn cung, đòi hỏi việc khai thác tài nguyên nước gia tăng trong khi lẽ ra điều cần theo đuổi lại là mục tiêu quản lý nước một cách thông minh và sử dụng nước tiết kiệm hơn. Kết quả là không có nơi nào trên thế giới có tình hình địa chính trị xung quanh vấn đề xây đập căng thẳng như tại châu Á.

Hạn hán nghiêm trọng tại sông Varuna ở Phoolpur, Ấn Độ dịp đầu tháng 6/2019

Việc cải thiện hệ thống thủy canh đòi hỏi mối quan hệ hợp tác được thể chế hóa, minh bạch trong các dự án, sắp xếp chia sẻ tài nguyên nước, cũng như xây dựng được một cơ chế giải quyết tranh chấp hợp lý. Tuy vậy, châu Á chỉ có thể xây dựng một chế độ quản lý tài nguyên nước có nguyên tắc khi có sự đồng thuận của chính phủ Trung Quốc.

Mùa hè năm ngoái, mực nước tại dòng sông Mekong – dòng huyết mạch dài 4.880km của khu vực Đông Nam Á, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua. Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này, được cho là do hệ thống đập thuỷ điện chằng chịt phía thượng nguồn bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc.

Không chỉ dừng lại ở đó, các chính sách phát triển của Bắc Kinh cũng đang đe doạ sự phát triển bền vững của một loạt các dòng sông có hạ lưu chảy qua nhiều quốc gia khác nhau.

Cuộc chiến nguồn nước ở châu Á đang diễn ra với “kẻ thôn tính” lớn nhất là Trung Quốc, trên các lưu vực sông xuyên quốc gia. Việc tái cấu trúc dòng chảy các dòng sông xuyên biên giới lâu nay đã là một phần không thể thiếu trong chiến lược của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát và ảnh hưởng trên toàn châu Á.

Trung Quốc có những điều kiện hết sức thuận lợi để thực hiện chiến lược này. Quốc gia này có ưu thế về mạng lưới sông ngòi với 110 hồ lớn và sông xuyên quốc gia chảy vào 18 quốc gia hạ lưu.

Trung Quốc hiện sở hữu hầu hết các đập nước lớn của thế giới, công cụ mà quốc gia này chưa bao giờ ngần ngại sử dụng để chặn các dòng sông xuyên biên giới. Trên thực tế, các nhà xây dựng đập của Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu chặn dòng của hầu hết các sông quốc tế chảy qua lãnh thổ Trung Quốc.

Đa số các nguồn nước mà khu vực đang chia sẻ đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, vùng đất Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền từ đầu những năm 1950. Không ngạc nhiên khi cao nguyên này là trung tâm mới cho hoạt động xây dựng đập của Trung Quốc. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc công bố năm 2016, đang kêu gọi xây dựng một loạt các đập thủy điện trên cao nguyên này.

Bằng cách xây dựng hệ thống các đập thuỷ điện, các rào chắn và các cấu trúc dẫn nước khác ở vùng biên giới của mình, Trung Quốc đang tạo ra một cơ sở hạ tầng rộng lớn tại khu vực thượng nguồn. Giới quan sát xem hoạt động này của Trung Quốc không loại trừ khả năng quốc gia này đang “vũ khí hóa” nước!

Hoạt động xây đập của Bắc Kinh được nhận định gây hại cho nhiều mối quan hệ tại khu vực châu Á. Trên khắp châu lục này, rất nhiều quốc gia đang đấu tranh với Trung Quốc trong việc kiểm soát các nguồn nước dùng chung xung quanh việc xây dựng đập thuỷ điện.

Một đợt hạn hán nghiêm trọng làm tê liệt nhiều phần của lục địa càng cho thấy rủi ro gia tăng từ việc theo đuổi các giải pháp kỹ thuật mà phần lớn là tập trung vào đập để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt.

Mới đây, Trung Quốc đã chặn đứng dòng chảy một nhánh của sông Brahmaputra, huyết mạch của Bangladesh và phía bắc Ấn Độ, để xây dựng đập phục vụ cho một dự án thủy điện lớn ở Tây Tạng. Quốc gia này cũng đang tiến hành xây đập trên một nhánh khác của sông Brahmaputra để tạo ra một loạt các hồ nhân tạo.

Trung Quốc cũng đã xây dựng sáu đập thủy điện khổng lồ trên sông Mê Kông, con sông chảy qua nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và giờ đây tác động của những con đập này đã hiện hữu đối với các quốc gia hạ lưu. Tuy nhiên, thay vì hạn chế xậy dựng, Trung Quốc vẫn đang ráo riết xây thêm đập trên sông Mê Kông.

Các khu vực đông dân cư tại châu Á từng phải đối mặt với rủi ro khan hiếm nước do căng thẳng nước gia tăng. Cuộc cạnh tranh về nước từ các đập thuỷ điện cũng gia tăng nguy cơ căng thẳng và xung đột lớn hơn giữa các quốc gia.

Tương tự như vậy, nguồn cung cấp nước chủ yếu là cho các khu vực khô cằn ở Trung Á đang phải chịu nhiều áp lực hơn khi Trung Quốc khai thác ngày càng nhiều nước từ sông Illy. Hồ Balkhash của Kazakhstan đang có nguy cơ bị thu hẹp đáng kể.

Cùng chung số phận, biển Aral (vùng bồn địa trũng gồm một vài hồ nước mặn nằm ở Trung Á, phía bắc là Kazakhstan và phía nam là Uzbekistan) đã gần như cạn kiệt trong vòng chưa đầy 40 năm. Trung Quốc cũng đang tiến hành chuyển nước từ sông Irtysh, nguồn cung cấp nước cho thủ đô Astana của Kazakhstan và sông Ob của Nga.

Với vị thế là nhà xây dựng đập hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã dựng lên con đập lớn nhất thế giới Tam Hiệp – công trình kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới chỉ sau Vạn Lý Trường Thành. Dự án này thực hiện chương trình chuyển nước liên sông và trong lòng sông đầy tham vọng từng được hình thành trong lịch sử loài người.

Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới
Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới

 Thậm chí, quốc gia này còn có kế hoạch triển khai xây dựng đập trên con sông có độ cao lớn thứ 2 thế giới với công suất phát điện gần gấp đôi công suất của Tam Hiệp và có hồ chứa thậm chí rộng hơn Ngũ đại hồ (Great Lakes) tại khu vực Bắc Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn tài trợ và thực hiện nhiều dự án đập tại khu vực Lào, Myanmar để tạo ra nguồn cung điện xuất khẩu trở lại Trung Quốc.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gây ra các xung đột về nguồn nước. Việc tranh chấp lãnh thổ, chính xác là nguồn nước và đất đai ở vùng Kashmir vẫn đang diễn ra. Trong thập kỷ này, Pakistan đã hai lần khởi kiện Ấn Độ tại tòa án trọng tài quốc tế về việc vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Indus Waters 1960.

Trong khi đó, Lào  vừa thông báo cho các nước láng giềng về quyết định xây dựng đập thủy điện thứ ba trên dòng chính sông Mê Kông, đập Pak Beng, với công suất 912MW. Quốc gia này đã gạt qua một bên những lo ngại của khu vực về việc thay đổi dòng chảy tự nhiên để đẩy nhanh quá trình xây dựng hai đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong.

Cuộc cạnh tranh tài nguyên nước ở châu Á đang gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, hủy hoại hệ sinh thái, gia tăng chia rẽ và bất hòa trong khu vực. Điều này cần được chấm dứt.

Các quốc gia châu Á phải làm trong sạch phương thức “chính trị nguồn nước” (hydropolitics) đang ngày một phủ bóng u ám lên khu vực. Vấn đề then chốt là cần có một cơ chế giải quyết quyết tranh chấp hiệu quả và một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước minh bạch hơn.

Châu Á có thể xây dựng một hệ thống quản lý nguồn nước dựa trên các các quy định hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc là cần thiết. Song, tính tới thời điểm hiện tại thì điều này dường như vẫn không khả thi.

An Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved