Phấn đấu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%;
Phấn đấu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Nhiều mục tiêu quan trọng được xác định trong trong dự thảo “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó,Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, đây là các mục tiêu rất quan trọng trong việc tạo dựng cơ sở vững chắc cho nền kinh tế. Và để các mục tiêu trên trở thành hiện thực, có hai câu chuyện cần được đặc biệt quan tâm.
Trước hết, tập trung cải thiện năng suất lao động, nhất là với những ngành đang giữ vai trò động lực cho tăng trưởng. Câu chuyện này không mới, song đến giờ vẫn là vấn đề thời sự bởi tốc độ tăng năng suất lao động trong các ngành công nghiệp thấp nhất trong nhiều ngành kinh tế.
Câu chuỵện thứ hai là cần nâng cao năng lực tự chủ của các ngành công nghiệp, đặc biệt đối với nguyên, vật liệu đầu vào. Các chuyên gia phân tích, việc giải quyết câu chuyện này lâu nay còn chưa có tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp và địa phương. Nếu còn tiếp tục “lừng khừng” như thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khả năng rời sang quốc gia khác.
Là cơ quan quản lý nhà nước, những giải pháp để giải quyết hai câu chuyện trên đang và sẽ được Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện. Theo đó, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp.
Ngoài ra, tận dụng tối đa lợi thế về dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa việc triển khai chính sách công nghiệp của trung ương và địa phương, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của địa phương trong phát triển công nghiệp.