Sau buổi phỏng vấn, nếu ứng viên nào chủ động mang tách cà phê mình vừa uống đi cất thì mới qua được vòng tuyển dụng của Xero Úc. Tuy vậy, việc này đang gây ra nhiều tranh cãi.
Tách cà phê lọc ứng viên
Trent Innes là cựu giám đốc công ty Xero Úc. Trên truyền thông, ông kể mình có một phương pháp tuyển dụng đặc biệt.
Trong mỗi cuộc phỏng vấn, Innes luôn dẫn ứng viên vào bếp để mời họ đồ uống, có thể là trà, cà phê hay nước lọc tùy ý. Sau đó, cuộc phỏng vấn sẽ được tiếp tục như thường lệ, cho tới khi kết thúc. Đây chính là thời khắc quan trọng mà Innes luôn chờ đợi, để biết liệu ứng viên nào sẽ trở thành đồng đội tiếp theo của mình.
Nếu chiếc cốc được ứng viên chủ động cầm lên, trả về bếp thì người đó đích thị là “mảnh ghép” mà Innes đang tìm kiếm cho công ty. Ông chia sẻ với trong chương trình rằng, mình sẽ chỉ tuyển dụng người nào chủ động dọn cốc.
Cái “bẫy”?
Những chia sẻ của Innes bỗng dưng lại nổi như cồn trên mạng xã hội như Tiktok hay Reddit. Các video chia sẻ về chương trình này đều nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Video trên Tiktok đạt tới hơn 24.000 lượt tương tác, bình luận ở các bài đăng trên Reddit cũng lên đến con số hàng trăm. Nhưng đa số người xem trên các nền tảng mạng xã hội này đều có ý kiến khá tiêu cực về chiến lược tuyển dụng của cựu giám đốc điều hành Xero Australia.
Họ cho rằng việc làm của Innes với ứng viên của mình là những trò mánh khóe nhảm nhí. Nhiều người cũng đồng tình rằng chiến lược của Innes không chỉ thể hiện ông là một vị sếp tồi mà còn là dấu hiệu của một môi trường làm việc độc hại.
Những người xem khá phẫn nộ với chiêu cà phê tuyển dụng, nhiều người chia sẻ rằng việc làm của Innes là quá vô lý và bất công. Do, Innes không đưa ra đủ thông tin cho ứng viên suy luận nhưng lại đánh trượt họ vì không đoán được suy nghĩ của mình.
Triết lý tuyển dụng tưởng như “vô nghĩa”
Có lẽ cộng đồng mạng chưa xem hết phần sau của chương trình, hoặc có thể họ chưa đủ bình tâm để suy nghĩ về ly cà phê của Innes, nên mới phản ứng gay gắt như vậy.
Innes nói rằng ông đang cố gắng tìm kiếm một người luôn có thái độ tốt, bất kể có phải làm công việc gì trong tổ chức kể cả công việc tầm thường nhất, thì vẫn hoàn thành một cách nghiêm túc và cẩn thận.
Khi bạn tới Xero, bạn sẽ thấy căn bếp lúc nào cũng sạch bóng, vì mỗi cá nhân luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong tổ chức. Tạo ra giá trị cho công ty chính là tạo ra giá trị cho chính mình. Do đó, khái niệm “tự rửa cốc cà phê của mình” ở đây có nghĩa là chủ động giải quyết các công việc, dù là nhỏ nhất.
Cựu giám đốc Xero cho biết: “Thái độ và sự chủ động, là điều một công ty đang phát triển như Xero tìm kiếm ở ứng viên. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những đồng đội của mình là người có thái độ tốt, luôn chủ động, có trách nhiệm trong công việc”
Với Innes, ông cho rằng: “Nếu thiếu kỹ năng bạn có thể rèn luyện, nếu thiếu kinh nghiệm bạn có thể tích lũy. Nhưng để làm được điều đó còn phải phụ thuộc vào thái độ của bạn”
Innes cho biết, đa số các ứng viên đều đề nghị mang cốc về bếp, chỉ có một số ít người không làm như vậy.
Đây chính là một minh chứng đời thực cho quan điểm về nhân sự vẫn được nhiều người ủng hộ gần đây, đó là “Thái độ hơn trình độ”. Chỉ có điều, khi quan điểm này ứng dụng vào thực tế thì có vẻ chính các nhân sự đang “nhẩy dựng” lên phản đối.
Quân Bảo