Bài học cũ từ Trung Quốc

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã làm rõ hơn chính sách ngoại hối mới nhất của mình sau 6 năm, kể từ khi việc phá giá đồng Nhân dân tệ xảy ra. Cụ thể, sau quyết định gây sốc ngày 11/8/2015, việc phá giá đồng Nhân dân tệ gần 3% so với Đô la Mỹ trong 2 ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn khắc nghiệt, siết chặt lãi suất và đốt gần 320 tỷ Đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ của mình để dập tắt sự hoảng loạn của thị trường, cũng như nguy cơ châm ngòi cho sự đổ vỡ của đồng Nhân dân tệ.

NDT-

Trung Quốc đã phải trải qua một cú sốc lớn khi phá giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015 (Ảnh: Roy Issa)

Theo đó, PBOC cam kết hướng dẫn các tổ chức tài chính, cung cấp cho các doanh nghiệp dịch vụ quản lý tỷ giá hối đoái, dựa trên nguyên tắc về nhu cầu thực tế, để nắm giữ ngoại tệ và cân bằng rủi ro trung tính, nhằm ngăn chặn sự biến động mạnh của tiền tệ. Đồng thời, sự biến động hai chiều lớn hơn, sẽ là bình thường mới trong tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ, PBOC dự kiến sẽ tăng cường quản lý các kỳ vọng trên thị trường, để ngăn chặn sự tăng giá hoặc giảm giá một chiều của đồng tiền.

Trong bước tiếp theo, PBOC cần sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ một cách hợp lý, tăng cường quản lý bảo mật vĩ mô đối với tài chính xuyên biên giới, hướng các công ty và tổ chức tài chính thiết lập khái niệm rủi ro trung tínhđể giữ cho tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ về cơ bản ổn định”, PBOC cho biết trong báo cáo của mình.

Đầu năm nay, PBOC cũng đã bù đắp áp lực tăng giá của đồng Nhân dân tệ bằng cách sử dụng giám sát bảo mật vĩ mô, để điều chỉnh dòng chảy xuyên biên giới của các ngân hàng và tập đoàn. Bên cạnh đó, các quy định tài chính mới cũng được đưa ra để khuyến khích dòng tiền Nhân dân tệ chảy ra nhiều hơn, trong khi hạn chế việc vay nợ trong nước.

Khi tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ và kỳ vọng của thị trường biến động lớn, việc bày tỏ lo ngại ngay lập tức theo phản ứng của thị trường, thông qua nhiều kênh để truyền đạt hàm ý chính sách, đã ngăn chặn tình trạng tăng vọt trên thị trường ngoại hối và bảo vệ sự ổn định của thị trường”, PBOC nhấn mạnh.

Theo tờ South China Morning Post, Ken Cheung Kin-tai, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á tại Ngân hàng Mizuho đánh giá: “Sau khi rút ra bài học từ việc cải cách đồng Nhân dân tệ năm 2015, sự minh bạch trong chính sách tiền tệ tăng lên đã giúp Trung Quốc giữ vững tâm lý đối với đồng Nhân dân tệ một cách đáng kể”.

Có thể thấy, vào tháng 6 năm nay, giá trị của Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ đã giảm giá 1,4%, khi các nền kinh tế tiên tiến đạt được tiến bộ trong việc tiêm chủng vaccine COVID-19. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể cắt giảm chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, dẫn đến sự tăng giá của đồng Đô la Mỹ so với các đồng tiền chính. Nhưng khi đo lường giá trị của đồng Nhân dân tệ so với một số loại ngoại tệ, nó vẫn tiếp tục dao động gần mức cao nhất trong 5 năm, phản ánh khả năng phục hồi cũng như tính linh hoạt của đồng tiền này trên thị trường.

Trong khi PBoC thông điệp ngừng can thiệp trực tiếp thường xuyên vào thị trường ngoại hối, thì chính Ngân hàng Trung ương cũng cho biết, họ vẫn sẽ tham gia vào việc quản lý kỳ vọng và điều chỉnh các điều kiện thanh khoản của thị trường nước ngoài nếu cần thiết. Về nguyên tắc, PBoC sẽ tiếp tục giữ tỷ giá hối đoái của Đồng nhân dân tệ ổn định ở mức cân bằng hợp lý.

Việt Nam điều chỉnh giảm tỷ giá

Tại Việt Nam, theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 11/8/2021, giá mua vào USD trên Sở Giao dịch NHNN và giá thực hiện cho hợp đồng USD giao ngay (ngừng mua ngoại tệ kỳ hạn) là 22.750 đồng, giảm 255 đồng so với trước đó (23.975 đồng).

NHNN

Việt Nam và Mỹ đã đạt được những bước tiến tích cực trong vấn đề “thao túng tiền tệ”, NHNN đã ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ (Ảnh: SBV)

Trước đó, đầu tháng 6/2021, NHNN cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm giá mua ngoại tệ xuống còn 22.975 đồng (giảm 50 đồng so với phiên trước).

Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giữ nguyên trong ngày 11/8 ở mức 22.949 đồng. Tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM đã điều chỉnh giảm 100 đồng ở cả 2 chiều mua bán so với phiên trước, xuống mức 22.670 – 22.900 đồng. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở mức 23.900 đồng.

Theo lý giải của một số chuyên gia, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD và khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa. Với việc điều chỉnh tỷ giá, sẽ có lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc (đây là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam) và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Chia sẻ trên báo chí, công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, việc NHNN hạ tỷ giá mua vào ngoại tệ là sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tỷ giá cũng như cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ đã đạt được những bước tiến tích cực trong vấn đề “thao túng tiền tệ”, NHNN đã ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất”, nhóm phân tích KBSV phân tích.

Cùng quan điểm trên, công ty chứng khoán VCBS nhận định: “Sự kiện này sẽ có tác động tích cực trực tiếp lên thị trường trái phiếu thông qua lượng thanh khoản dồi dào từ hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu sẽ được hưởng lợi một cách gián tiếp”.

Đồng thời, VCBS cũng dự báo, VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2% trong năm nay.

Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần phải hết sức linh hoạt trong điều hành tỷ giá, một mặt nếu tỷ giá USD/VND không hạ nhiều trong bối cảnh đồng tiền của các nước xuất khẩu đối thủ hạ giá, thì sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Mặt khác, nếu tỷ giá hạ mạnh, thì điều này sẽ làm tăng gánh nặng nợ bằng đồng USD của Việt Nam.

Diễm Ngọc