Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kịch bản đó chỉ xảy ra khi Việt Nam hội đủ nội lực.

Hàng hóa đi, dòng tiền về

Gần 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được bãi miễn thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu. Đây là điều kiện vô cùng lý tưởng làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp ngoại thương, qua đó tăng tính cạnh tranh.

Theo dự báo, khoảng thời gian 5 năm (2019-2023), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng trung bình 5,21% – 8,17%. Con số này là 11,12% – 15,27% trong các năm 2024 – 2028 và 17,98-21,95% trong 5 năm tiếp theo.

Trong khi đó, ở góc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Rằng, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-7,72 trong vòng 15 năm tiếp theo kể từ 2019.

Dệt may và nông sản là hai ngành hàng có rất nhiều cơ hội

Dệt may là một trong những ngành mẫn cảm đầu tiên với EVFTA, về dài hạn 42,5% dòng thuế áp dụng với hàng dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0%. Với thuế suất đang áp dụng cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào EU từ 8-12% thì khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi rất lớn.

Bởi vì EU đang là các đối tác nhập khẩu hàng dệt may chủ yếu của Việt Nam. Đơn cử trong tháng 5/2019 xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU tăng rất mạnh – 31,9% so với tháng 4/2019, đạt 397,36 triệu USD; nâng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 5 tháng đầu năm 2019 lên 1,53 tỷ USD, chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực thứ hai là xuất khẩu nông sản, EU sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt…

Với đòn bẩy từ thuế, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU kỳ vọng tăng trưởng thêm 20%, thanh long, nhãn, xoài, cà phê…là những quân bài chiến lược có cơ hội tiến sâu vào thị trường trên 500 triệu dân, thu nhập bình quân đạt hơn 34.000 USD/người/năm.

Song song với đó, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ giúp dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU chảy về Việt Nam. Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư hai chiều.

Cùng với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, không trưng thu, cam kết bồi thường trong trường hợp chiến tranh, bạo loạn, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài.

Những yêu cầu về cải cách thể chế, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng như nền công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại… từ EU sẽ tạo nên làn sóng cải cách một cách thực sự và sâu rộng về cơ cấu sản xuất của Việt Nam, góp phần làm cho chất lượng phát triển của nền kinh tế Việt Nam được tốt hơn.

Nhưng với điều kiện

Để được giảm thuế, hàng Việt Nam phải đảm bảo tiêu chuẩn EU, đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Ở chiều ngược lại, EU với hệ thống thành viên đã đạt đến trình độ phát triển cao hơn chắc chắn dễ dàng thâm nhập, thâu tóm thị trường bán lẻ nội địa, chiếm thị phần.

EVFTA là thỏa thuận rất có chiều sâu

Một khi thể chế, luật pháp không được thi hành nghiêm minh, chặt chẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành địa bàn trung chuyển, mạo danh, nguồn gốc xuất xứ, hệ lụy của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với nhôm, thép vừa qua mà minh chứng.

Khi chơi dưới luật của EVFTA doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước sẽ đối mặt thường trực với các vụ kiện tranh chấp thương mại, đầu tư – với tư cách là biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.

Doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức sử dụng lao động đúng quy chuẩn, tình trạng làm quá giờ, bất cập chế độ lương bổng, giờ giấc nghỉ ngơi, thậm chí lao động chui, môi trường kém an toàn, vấn đề giới, sở hữu trí tuệ…là tình trạng khá phổ biến ở nước ta.

Rõ ràng, EVFTA và IPA mang lại cơ hội rất lớn cho kinh tế Việt Nam, nhưng để tận dụng được phải đòi hỏi những đáp ứng rất ngặt nghèo. Hy vọng, kinh nghiệm ký kết thực thi hơn chục FTA sẽ giúp Việt Nam chơi sòng phẳng với EU.