Ta là ai? Ta là điều mà chúng ta làm. Người suốt đời làm thơ là nhà thơ. Kẻ suốt đời ăn cắp là kẻ cắp. Với mỗi hành vi của mình, chúng ta tự làm nên chúng ta.
Là người Việt, có lẽ ai cũng biết câu tục ngữ: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Mọi câu tục ngữ đều có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, trường hợp này cũng vậy. Phổ biến nhất, nó được coi là một lời khuyên “Phải biết tùy hoàn cảnh mà thích ứng”: Sống trong cộng đồng nào thì thuận theo, ứng xử theo cộng đồng ấy, miễn là phải “giữ được mình”.
Lời khuyên ấy không phải là không khôn ngoan, nhưng nhiều khi được áp dụng theo một cách tệ hại: Vì xã hội có nhiều điều tệ hại, mình đành phải làm theo, nhưng mình vẫn trong sáng, “mình vẫn là mình”. Nói hoa mỹ hơn là “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Việc vứt rác ra đường, chẳng hạn, vì cả xã hội làm thế, mình cũng đành phải làm thế – Một mình mình không vứt thì giải quyết được vấn đề gì!
Bản chất của cái “tôi”
Chúng tôi sẽ không bàn về khía cạnh hay dở hay đúng sai của câu tục ngữ, mà muốn bàn về cái giả định “giữ được mình”. Giữ được mình là giữ được cái gì? Liệu ta có thể làm những điều tệ hại, cho dù chỉ là một dạng “áo giấy” vì phải “đi mới ma”, mà vẫn giữ được mình hay không? Câu hỏi dẫn ta đến một câu hỏi khác: Ta là ai? Hay nói một cách khác: Cái tôi là gì?
Bản chất “cái tôi” là một trong những vấn đề trung tâm, xuyên suốt toàn bộ lịch sử triết học và quan niệm về cái tôi là một trong những khác biệt căn bản giữa triết học phương Đông và triết học Phương Tây.
Mỗi hành vi chúng ta làm đều có bốn cấp độ khác nhau, đó là các cấp độ Kinh tế, Pháp lý, Đạo đức và Lý tưởng – Thẩm mỹ |
Ở phương Tây, người ta cho rằng con người có bản ngã, tức là có một cái tôi tự thân, độc lập và bất biến, tồn tại cùng với một thế giới mà họ gọi là “thế giới tự nó”. Thế giới tự nó như vậy có thể được khảo sát bởi “cái tôi” theo cách một cá nhân nghiên cứu một căn phòng từ bên ngoài. Chúng ta vẫn nói: “Con người và Thế giới”.
Ở phương Đông, từ rất sớm, đạo Phật đã chủ trương rằng bản ngã chỉ là một ảo giác. Nhà tư tưởng phương Tây đầu tiên đến gần với quan niệm phương Đông là David Hume. Tuy nhiên, người đưa ra quan niệm gần với đạo Phật nhất có lẽ là các nhà tư tưởng Marxist.
Theo Marx, con người dĩ nhiên là động vật, nhưng cái làm cho nó thành con người chính là các quan hệ xã hội. Con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội, ông khẳng định. Con người sinh ra với tư cách là các cá thể động vật bậc cao, có năng lực tương tác với xã hội, với người khác, với môi trường. Chính quá trình tương tác ấy, dưới sự tác động của những yếu tố tất nhiên và ngẫu nhiên, tạo nên cái tôi. Cái tôi không phải là một thực thể, cũng không phải một trạng thái bất biến, mà là một quá trình. Vì thế, cái tôi không ngừng thay đổi. Ta là ai? Ta là điều mà chúng ta làm. Người suốt đời làm thơ là nhà thơ. Kẻ suốt đời ăn cắp là kẻ cắp. Với mỗi hành vi của mình, chúng ta tự làm nên chúng ta.
4 cấp độ của hành vi kinh doanh
Vì lý do khác nhau, người ta có thể chỉ chú trọng một hay một vài trong các cấp độ đó. Chúng tôi xin lấy một ví dụ rất đơn giản là công việc của người thợ xây.
Cấp độ cơ bản, thấp nhất và cũng dễ đạt nhất, là cấp độ kinh tế. Mục đích đầu tiên của người thợ khi xây nhà là kiếm tiền. Dĩ nhiên, như bất kỳ người lao động nào khác, anh ta mong muốn làm càng ít càng tốt và được trả công càng cao càng tốt. Anh ta thậm chí có thể không cần quan tâm đến chất lượng công việc, không quan tâm đến hậu quả trong tương lai, miễn là được người thuê chấp nhận và trả tiền.
Cấp độ thứ hai là cấp độ pháp lý. Trong hoàn cảnh cụ thể, người thợ phải thương lượng với cai thầu và cuối cùng chấp nhận một thỏa thuận. Không những thế, anh ta còn phải tuân thủ một số quy định của nhà nước. Trong trường hợp này, anh ta không chỉ quan tâm đến tiền công, mà còn cố gắng đáp ứng các quy định của pháp luật ở mức tối thiểu để tránh bị trừng phạt.
Cấp độ thứ ba là cấp độ đạo đức. Có những việc, mặc dù luật không cấm, nhưng người thợ biết rằng không nên làm, vì sẽ không tốt cho sản phẩm. Anh ta có thể lựa chọn cách lẳng lặng làm theo ý gia chủ, nhưng cũng có thể góp ý để tránh những điều bất lợi cho gia chủ. Khi đó, ngôi nhà còn thể hiện tấm lòng của anh đối với gia chủ: anh mong muốn cho họ được ở trong ngôi nhà tốt nhất có thể.
Cấp độ cao nhất là cấp độ lý tưởng – thẩm mỹ. Bởi vì chúng ta là những gì chúng ta làm, mỗi hành vi của con người đều cần phải vươn đến sự hoàn mỹ. Sinh ra, chúng ta đều yếu ớt, bé bỏng. Thế rồi sự học hành, lao động, tương tác, những gì chúng ta làm, những mối quan hệ mà chúng ta xây đắp… sẽ làm nên chúng ta. Nếu anh thợ xây xây nên một ngôi nhà đẹp và tốt, anh ta là người thợ xây giỏi. Nếu ngôi nhà tồi tệ, anh ta là người thợ xây tồi.
Dù là thợ xây hay một nhà giáo, một ca sĩ hay một chính trị gia, khi thực hiện bất cứ một hành vi gì, chúng ta đều có quyền và buộc phải lựa chọn một, hai, ba hay cả bốn cấp độ nói trên.
Nếu chọn dừng ở cấp độ một, người ta bị đồng tiền chi phối. Ở cấp độ hai, ngoài tiền, hành vi của người ta còn bị pháp luật chi phối. Ở cấp độ ba, hành vi của người ta còn được điều chỉnh bởi ý thức về đạo đức. Ở cấp độ Lý tưởng – Thẩm mỹ, hành vi của người ta mới thực sự là ích kỷ – ích kỷ theo nghĩa tốt đẹp. Người ta cố gắng làm ra sản phẩm hoàn thiện vì việc đó đồng thời cũng hoàn thiện bản thân mình.
Ta là cái ta làm – Đó chính là cội nguồn của văn hóa kinh doanh.
TS. Ngô Tự Lập – Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội