Chuyển tới nội dung

Sức sống ở làng nghề trăm tuổi

  • bởi

Những cây cói vươn lên từ bãi bồi trong công cuộc quai đê lấn biển, qua bàn tay khéo léo của người nông dân huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã tạo nên những sản phẩm hữu ích phục vụ cho cuộc sống. Kỳ công từ khi chọn nguyên liệu đến sự tỉ mỷ trong từng công đoạn, những người thợ lành nghề đã thổi hồn cho mỗi sản phẩm có sức cạnh tranh góp mặt tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguoi-tho-lam-coi-luon-ti-my-trong-tung-cong-doan-1536x1021

Người thợ làm cói luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn. Ảnh: Phạm Quân

Cây làm giàu ở đất Kim Sơn

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hàng trăm năm quai đê lấn biển, người dân Kim Sơn đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi với tầng tầng những cây cói xếp dài. Từ bao đời nay, cây cói đã trở thành một phần cuộc sống của những con người cần cù nơi vùng đất nắng gió này. Tiếp nối truyền thống cha anh, từ những năm 1954, lớp lớp thế hệ người dân Kim Sơn đã lấn biển, mở đất canh tác. Sau 6 lần quai đê đã đạt tổng diện tích khoảng 4.000ha, tạo ra gần 200ha làm đất trồng cói và lập ra các xã mới như: Kim Trung, Kim Tiến, Kim Hải…

Theo chia sẻ của người dân nơi đây, cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng Năm, cói mùa vào dịp tháng Mười (âm lịch). Lúc hoa nở trắng trên những bãi bồi ven biển cũng là lúc nông dân bắt đầu cắt cây cói ngoài đồng về. Quy trình trồng cói cũng giống như cây lúa: cày, xới, phơi ải, tháo nước, cấy cói, rồi làm cỏ, sục bùn, bón phân… Cói tươi thu hoạch về được chẻ nhỏ, phơi khô và đem ra chợ bán, rồi từ đó dệt thành chiếu hoa và các sản phẩm từ cói.

Để tăng năng suất, vùng trồng cói cũng được đầu tư hệ thống thuỷ lợi. Bởi vậy, năng suất của cây cói đồng hiện nay đạt khoảng 5-10 tấn cói khô/1ha. Một lần cấy cói, có thể cho 4-5 lần thu hoạch. Bởi vậy cây cói cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Mặt khác, cói là nguyên liệu tạo công ăn việc làm cho những làng nghề dệt cói. Từ cây cói đã hình thành nên những làng nghề nổi tiếng như: Thượng Kiệm, Kiến Thái, Đồng Đắc, Yên Bình, Yên Lộc, Tây Bắc, Văn Hải, Mỹ Hợp, Tân Khẩn…

Với khẩu hiệu “lúa lấn cói”, “cói lấn sú vẹt”, “sú vẹt lấn biển” cây cói đã theo bước chân những người lấn biển trở thành cây công nghiệp tiên phong, mang đến giá trị kinh tế, góp một phần không nhỏ để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Nhung-san-pham-thu-cong-my-nghe-doc-dao-duoc-tao-ra-tu-cay-coi-1536x864

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo được tạo ra từ cây cói. Ảnh: Phạm Quân

Vang danh trên thị trường quốc tế

Làng nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. Sống trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, những người thợ cói Kim Sơn với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ cói đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Chiếu cói Kim Sơn và những sản phẩm được làm từ cây cói là truyền thống trăm năm của mảnh đất Kim Sơn. Những sản phẩm này đã trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước với chất lượng tốt, độc đáo, gần gũi với cuộc sống và thiên nhiên. Sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên mỗi người dân đều có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công lành nghề. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp đã giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề. Các thế hệ nối tiếp đã tạo dựng nên nghề trồng, chế biến cói ở huyện Kim Sơn được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Ông Đoàn Lan, một người cao tuổi ở huyện Kim Sơn, cho biết: “Trải qua thời gian biến cố của lịch sử, qua bao khó khăn, thăng trầm nhưng người dân Kim Sơn rất yêu nghề, sáng tạo trong lao động. Chính vì thế những mẫu mã mới chúng tôi đều làm được và thích ứng với thị trường như ngày nay”.

Nhung-chiec-dep-duoc-dan-bang-coi-vo-cung-doc-dao-1536x1152

Những chiếc dép được đan bằng cói vô cùng độc đáo. Ảnh: Phạm Quân

Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm. Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyester phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm, nhất là trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó, sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiện tất cả các làng, xã của huyện Kim Sơn đều tham gia chế biến cói, trong đó có 20 làng nghề cói được cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói. Để có những mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất cói cũng đã biết phối hợp chặt chẽ với phía đối tác để lên ý tưởng và thiết kế mẫu mã. Sau đó, những mẫu thiết kế này sẽ được đặt hàng nhờ các nghệ nhân làng nghề làm thử và khi đạt tiêu chuẩn sẽ hướng dẫn, giao cho các hộ gia đình sản xuất hàng loạt rồi chuyển đến doanh nghiệp gia công lại lần cuối.

Các doanh nghiệp sản xuất cói mỹ nghệ ở Kim Sơn không chỉ nhạy bén về thị trường, mà còn biết khéo léo kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với công nghệ mới trong sản xuất. Bởi vậy đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của đối tác, kể cả những đơn hàng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hay buộc phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Cho đến nay, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Các nước thuộc Liên Xô cũ, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Trung Quốc…

“Người dân chúng tôi đặc biệt rất yêu nghề. Bản thân mình sinh ra trên mảnh đất này nên càng thấy mến trọng và yêu nghề. Đồng thời mình đóng góp xây dựng cho quê hương thì mình càng phải cố gắng cùng với bà con để giữ và phát triển nghề truyền thống”, ông Đoàn Lan tự hào cho biết.

Hiện tất cả các làng, xã của huyện Kim Sơn đều tham gia chế biến cói, trong đó có 20 làng nghề cói được cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói.

 

Ninh Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved