Clubhouse đã tiết kiệm được hàng triệu đô la bằng cách hiện đại hóa referral marketing – một phương thức marketing truyền thống.
Kể từ khi ra mắt từ tháng 4/2020 đến nay, mạng xã hội Clubhouse đã đạt 10 triệu lượt tải về và có khoảng 2 triệu người dùng hoạt động hàng tuần. Nếu so với 2,7 tỷ người dùng Facebook, 1 tỷ người dùng Instagram, 330 triệu người dùng Twitter thì con số này chẳng là gì. Tuy nhiên, tần suất đề cập tới và danh tiếng của Clubhouse đã vượt quá ngưỡng của một ứng dụng mới chỉ có 10 triệu lượt tải về.
Vậy Clubhouse đã làm điều này như thế nào? Đó là hiện đại hóa cách thức marketing lâu đời nhất – truyền miệng, hay còn gọi là referral marketing.
Cũng giống như các mạng xã hội khác, Clubhouse là nơi mọi thành viên có thể trao đổi thông tin. Mặc dù vậy, những thảo luận đáng ý chú nhất về nền tảng này lại diễn ra ở bên ngoài nền tảng, chẳng hạn như việc những người nổi tiếng như Elon Musk, Mark Zuckerberg, Oprah Winfrey, Kanye West hay Drake đều tham gia mạng xã hội này.
Điều này khiến hiệu ứng FOMO (fear of missing out – nỗi lo bị lỡ mất thứ gì đó vui vẻ, gây xôn xao,…) trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ai cũng muốn “đặt chân” vào mạng xã hội này để xem nó có gì hay mà mọi người bàn tán nhiều như vậy.
Thú vị ở chỗ, mạng xã hội này không phải cứ muốn là vào được. Người dùng phải đăng ký, chờ phê duyệt hoặc được ai đó có sẵn trong Clubhouse mời vào thì mới “có suất” khám phá mạng xã hội này. Trong khi danh sách chờ cứ dài thêm, thì các thảo luận càng sôi nổi, và Clubhouse lại càng nổi tiếng.
Clubhouse không phải là công ty đầu tiên vận dụng referral marketing. Vào năm 2004, Google cũng từng áp dụng “chiêu thức” này cho Gmail. Khi đó, Google chỉ cho phép số ít người dùng truy cập, mỗi người được quyền thêm một vài lời mời nữa. Hoạt động này thành công đến nỗi vào thời điểm đó, lời mời vào Gmail được đem đi đấu giá trên eBay. Lịch sử lặp lại, lời mời vào Clubhouse cũng xuất hiện trên eBay tháng trước.
Thông thường doanh nghiệp luôn muốn có càng nhiều khách hàng càng tốt. Vì vậy hạn chế khách dường như không phải là cách hay. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu thu hút nhiều khách hàng nhưng chẳng ai quan tâm thì cũng không có ý nghĩa gì.
Chiến lược referral marketing của Clubhouse đã khai thác hiệu quả hiệu ứng FOMO dựa trên nguyên lý đơn giản: nếu một sản phẩm hoặc một dịch vụ có điểm nổi trội nào đó, con người sẽ muốn chia sẻ với người khác.
Bằng cách phát triển nền tảng thành viên dựa trên các lời giới thiệu, truyền miệng, Clubhouse đã nhắm thẳng vào mạng lưới quan hệ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của các thành viên. Mà một khi đã là người quen thì lời giới thiệu càng có sức nặng hơn.
Đánh trúng tâm lý này, Clubhouse đã tiết kiệm hàng triệu đô la cho các hoạt động marketing. Thành công của Clubhouse một lần nữa cho thấy sức mạnh và sự đơn giản của referral marketing. Có nhiều công ty tiêu tốn ngân sách lớn để xây dựng niềm tin và danh tiếng, trong khi đôi khi điều họ cần chỉ đơn giản là “nhờ” khách hàng giới thiệu những khách hàng khác.
Quân Bảo