Ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu từ các thị trường Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ…
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, thị trường thế giới hiện đang khủng hoảng tác động rất lớn đến ngành dệt may trong nước.
Cụ thể, lũy kế quý I/2023, kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành dệt may giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu từ 45-47 tỷ USD trong năm 2023.
Theo ông Trương Văn Cẩm, môi trường kinh doanh của dệt may cũng như nhiều ngành sản xuất xuất khẩu khác đang biến động phức tạp. Và để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện nay, chỉ có lựa chọn phát triển bền vững, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường.
Theo đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức có hiệu lực từ tháng 6/2022, hay các nước thuộc khối EU cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo Luật tra soát chuỗi cung ứng.
“Đây là thách thức với ngành dệt may vì Việt Nam chủ yếu nhập nguyên phụ liệu, trong đó riêng mặt hàng bông, nhu cầu lên đến 1,6 triệu tấn mỗi năm và gần như nhập 100%”, ông Trương Văn Cẩm quan ngại.
Thực tế yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may không còn mới, nhưng khi đưa vào thực tế nhiều thách thức đã xuất hiện “làm khó” doanh nghiệp. Bà Vũ Kim Thanh, đại diện Công ty Fashion Garments 2 thừa nhận, doanh nghiệp đang gặp khó trong hoạt động truy xuất nguồn gốc khi các thông tin về mặt hàng vải còn chưa rõ ràng, tìm kiếm thông tin nguyên phụ liệu từ doanh nghiệp cung cấp còn chưa đầy đủ.
Mặt khác, theo bà Đặng Hồng Thùy, đại diện Công ty TNHH Sung Il Việt Nam, doanh nghiệp thương mại chuyên cung cấp vải, các thủ tục truy xuất còn chiếm nhiều thời gian của doanh nghiệp Việt và khách hàng nước ngoài. Có giai đoạn, thời gian sản xuất đi kèm quy trình truy xuất nguồn gốc tăng gấp đôi so với trước. Đặc biệt trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp để chuẩn bị các giấy chứng nhận.
Đó là chưa nói chi phí thực hiện. Theo bà Phùng Thị Minh Hằng, hoạt động truy xuất nguồn gốc nguyên liệu còn khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra tăng 10%, khó cạnh tranh với thị trường. Ngoài ra, quy trình truy xuất còn khá phức tạp và khắt khe khi phải đánh giá thường xuyên, mỗi lần đánh giá đều chịu thêm một khoản phí.
Điều đáng nói, theo giới chuyên gia, thách thức không dừng lại ở việc truy xuất nguồn gốc tới mặt hàng bông nguyên liệu mà tới tất cả nguyên phụ liệu khác. Nói như ông Kiều Hạnh Kha, Giám đốc Phát triển bền vững, Hiệp hội Bông Hoa Kỳ, mặt hàng bông nguyên liệu của Việt Nam nhập khẩu chủ yếu nhập từ Hoa Kỳ, chiếm từ 45-60% tổng lượng bông nhập khẩu, đây là lợi thế khu truy xuất nguồn gốc với sản phẩm dệt may.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia khu vực EU không chỉ xét đến bông nguyên liệu mà truy xuất nguồn gốc với tất cả nguyên phụ liệu khác hình thành một sản phẩm thời trang nhập khẩu. Đồng thời EU truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may với các tiêu chí toàn diện cả về lao động và môi trường.
Thậm chí, ông Kiều Hạnh Kha còn cho biết: “EU đưa ra các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong chiến lược phát triển dệt may, theo đó, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, sắp tới đây họ sẽ bổ sung tiêu chí sản phẩm có thể tái chế. Bất kỳ khi nào các tổ chức đánh giá cũng có thể yêu cầu tra soát, đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng, tức là luôn minh bạch thông tin chuỗi cung ứng.
Thực tế từ góc độ nhãn hàng, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Vận hành và quan hệ chính phủ của Adidas cho biết, nhãn hàng đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch… Ví dụ, những nguyên liệu mới cấu thành sản phẩm của Adidas phải là nguyên liệu có hàm lượng phát triển bền vững và được sản xuất từ dây chuyền phát thải carbon thấp.
Nhãn hàng này cũng đặt ra tiêu chí minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu đầu vào và phải kết nối với hệ thống truy xuất của Adidas. “Đáp ứng càng nhiều tiêu chuẩn thì nhà cung cấp được ưu tiên lựa chọn trong chuỗi cung ứng của nhãn hàng, có nhiều đơn hàng và giá trị đơn hàng cao hơn”, ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết.
Như vậy, dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng yêu cầu về phát triển xanh và bền vững không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các nhãn hàng khi lựa chọn doanh nghiệp đối tác. Thực tế Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may – da giày từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035. Theo đó, từ nay đến năm 2035, ngành dệt may sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, tiến lên giai đoạn phát triển bền vững hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Do đó, Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, tiến trình xanh hoá là mục tiêu và cũng là đòi hỏi tất yếu với ngành dệt may.
Tỷ trọng chương trình phát triển xanh hoá trong lĩnh vực này hiện đã chiếm trên 50%. Năm 2023, mục tiêu đặt ra đạt tỉ lệ trên 70%. Đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo… đặc biệt liên quan tới nước cấp, nước thải và xử lý nước. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành may, sợi, dệt, nhuộm… đã đạt được các chuẩn mực trong Luật Môi trường Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng.
Song, quá trình chuyển đổi như vậy, ông Cẩm cũng cho rằng cần nguồn lực đầu tư lớn, là thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cần được hỗ trợ.
Thy Hằng