Chuyển tới nội dung

Sửa Luật Viễn thông nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0

Việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật thời gian qua.

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sự cần thiết xây dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 6/2, Quốc hội đã nghe báo cáo về về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sự cần thiết xây dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Viễn thông 2009 có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua.

Mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Đồng thời, bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số – hạ tầng của nền kinh tế số.

Hiện dự thảo Luật được xây dựng gồm 10 chương, 74 điều, quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông; thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Qua rà soát, Ủy ban thấy rằng báo cáo đánh giá tác động của các chính sách cơ bản đã đáp ứng theo quy định của Điều 35 Luật Ban hành VBQPPL.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhận thấy, chính sách “quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet” trong hồ sơ dự án Luật là chính sách mới, không có trong hồ sơ đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích cụ thể hơn vấn đề về giới đối với các quy định của dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung thông tin trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định, nhìn chung nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp. Dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định của Luật Viễn thông hiện hành; bổ sung một số quy định mới; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật và các luật khác có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông lĩnh vực tư pháp… để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này với các dự thảo luật khác đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)…

Về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, ông Lê Quang Huy cho rằng, phần lớn các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn việc quy định tại khoản 3 Điều 47 dự thảo Luật “có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ TT&TT” có thể chưa bảo đảm nguyên tắc loại bỏ các yêu cầu phê duyệt đối với kết nối mạng viễn thông dùng riêng theo quy định của Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hải Liên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved