Luật Đất đai 2013 sau nhiều lần đưa vào kế hoạch sửa đổi luật của Quốc hội đã bị lùi lại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai trước 30/6/2021.
Với việc chốt ngày hoàn thành báo báo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng việc sửa Luật Đất đai năm 2013 sẽ có một “nhạc trưởng” công tâm, khách quan.
Luật Đất đai 2013 đã “lạc hậu”
Thực tế cho thấy từ giữa năm 2020 đến nay, lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang phải chịu khó khăn kép khi mà bên cạnh dịch bệnh thì những tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách đặc biệt liên quan đến Luật Đất đai 2013 đã trở nên lạc hậu so với sự phát triển, vận động rất linh hoạt của thị trường.
BĐS là một lĩnh vực đặc thù, bị chi phối bởi rất nhiều luật liên quan, trong đó nền tảng là Luật Đất đai 2013. Chính sách đất đai nói chung có tác động rất lớn đến sự tồn vong, phát triển của doanh nghiệp, thị trường BĐS. Một trong những vướng mắc của Luật Đất đai 2013 ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai xây dựng các dự án là vấn đề bồi thường GPMB, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Đây cũng là khâu khó nhất, kéo dài trong quá trình thực hiện một dự án, hiện nay.
Bên cạnh đó, những tồn tại liên quan đến bảng và khung giá đất cũng đã được đề cập nhiều khi một BĐS luôn có 2 giá (giá của nhà nước và giá giao dịch thực tế). Việc xử lý khoảng cách này để giá đất “mang được hơi thở của cuộc sống” cũng sẽ phải đợi Luật Đất đai sửa đổi.
Một vấn đề cũng đang phải chờ Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi là việc tồn tại song song hai quy hoạch có giá trị pháp lý như nhau là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Trong một báo cáo tổng hợp của Đoàn ĐBQH TP.HCM đã nhận định đây là bất cập phổ biến khiến nhiều địa phương áp dụng quy định pháp luật gặp khó khăn trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cũng như trong vấn đề thu hồi đất.
Thêm vào đó, cần định danh cho những loại hình BĐS kiểu mới như Condotel, Officetel, Shophouse,… cũng đã được đặt ra từ lâu.
Sửa Luật Đất đai khơi thông thị trường
Có thể thấy đất đai đang là vấn đề nóng bỏng, nguồn gốc của không ít bức xúc trong nhân dân, xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, Dự án sửa đổi Luật Đất đai 2013 đã nhiều lần bị lùi lại gây không ít hụt hẫng cho người dân và doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kỳ vọng vào một “nhạc trưởng” có vai trò khách quan đứng ra tổng hợp, quản lý quá trình sửa luật, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả, nâng cao sự phối hợp chặt chẽ, giữa các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, việc soạn thảo luật cần thuận lợi cho quá trình triển khai thực thi pháp luật quản lý đất đai, hạn chế việc tăng thêm những giấy phép con, tăng thêm rào cản gây khó cho doanh nghiệp…
Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần được pháp điển hóa để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội nhằm tạo dựng hành lang pháp lý an toàn, các quy định pháp luật đất đai sửa đổi cần tạo điều kiện khơi thông các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… trên thị trường BĐS. Đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến thành bại của mỗi dự án BĐS.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai là giải pháp cấp bách để giúp các doanh nghiệp BĐS vực dậy sau hàng loạt khó khăn, và doanh nghiệp sản xuất tiếp cận đất công bằng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chốt ngày yêu cầu hoàn thành Báo báo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 30/6/2021 và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 15/5/2021.
Hy vọng với tinh thần chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Thủ tướng, những điểm nghẽ lớn cho việc khai thông một nguồn lực to lớn của quốc gia trên đây sẽ sớm thành hiện thực.
Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng: Trong thời gian qua tình trạng buông lỏng quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra khá phổ biến và kéo dài. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng, khiếu kiện đất đai dai dẳng là do những quy định, cơ chế chính sách. Những bất cập của Luật Đất đai, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP.Invest): Việc soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi, bộ luật được xem là “luật mẹ” chi phối, bao trùm nhiều luật khác có liên quan đến ngành bất động sản cần sự tham gia góp ý mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp. Trước đây, trong các năm 2019, 2020 thì dù đã nhiều lần có ý kiến tại các hội nghị, hội thảo liên quan với đại diện các bộ ngành và trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng cuối cùng thì đề xuất thành lập Ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có tổ tư vấn là đại diện của các Hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản vẫn dừng lại ở ý định, chưa có quyết định cụ thể. |
PGS.TS Doãn Hồng Nhung