dientu

Từ năm 2012, ngành điện tử đã vượt qua ngành dệt may để trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” của nhóm tác giả Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, ngành điện tử đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội Việt Nam trong việc phát triển doanh nghiệp, đem lại nguồn thu cho người lao động và ngân sách nhà nước, thúc đẩy xuất khẩu và đang tạo ra giá trị gia tăng tương đối cao và cao gần gấp 2 lần so với ngành thực phẩm.

Từ năm 2012, ngành điện tử đã vượt qua ngành dệt may để trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong vòng 10 năm từ năm 2010 đến năm 2019, thứ hạng của Việt Nam trên thế giới xét về giá trị xuất khẩu ngành điện tử cũng liên tục tăng và vươn lên vị trí thứ 8 thế giới năm 2019. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (AAGR) của nhóm hàng điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2010–2019 đạt mức 37%, vượt xa AAGR của nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng điện tử đứng đầu thế giới.

Trong giai đoạn 2010-2020, nhóm hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam có giá trị chỉ số lợi thế so sánh (RCA) đứng thứ 3 thế giới, sau Đài Loan, Malaysia và có những bước tăng trưởng nhanh, đều qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về RCA mặt hàng điện tử của Việt Nam đạt mức 14%/năm, cao hơn rất nhiều so với giá trị này của các nước khác trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng điện tử trên thế giới. Điện tử là nhóm hàng xuất khẩu duy nhất của Việt Nam có xu hướng RCA tăng nhanh qua các năm, ngược với xu hướng giảm chung về RCA của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác.

Mười mặt hàng điện tử xuất khẩu có giá trị RCA cao nhất của Việt Nam dao động trong khoảng 1,4 (mạch điện tử) và 5,5 (điện thoại), trong đó cao nhất là điện thoại. Điện thoại cũng là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đồng thời cũng là mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh vượt trội với RCA cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm điện tử có giá trị độ phức tạp của sản phẩm (PCI) cao đều là các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam hiện tại không có lợi thế so sánh.

Ngược lại, ngoại trừ sản phẩm mạch điện tử tích hợp (có PCI > 1 và RCA > 1), các sản phẩm điện tử Việt Nam có lợi thế so sánh đều có giá trị PCI thấp như Điện thoại, Micro và loa, Thiết bị phát sóng, Thiết bị bán dẫn, Ăng ten, Dây điện, cáp điện… Bên cạnh đó, việc so sánh giữa PCI và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam theo từng mặt hàng cho thấy rất rõ các sản phẩm điện tử xuất khẩu lớn của Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng có tính chuyên môn hoá thấp, công nghệ thấp và được sản xuất tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong giai đoạn 2010 – 2017, chỉ số vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu (GEVC) đều âm, chứng tỏ quốc gia đang nằm ở vị trí hạ nguồn của chuỗi, tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu. Việt Nam có xu hướng tham gia ít hơn vào GEVC do nguyên nhân chủ yếu là sự cắt giảm nhập khẩu giá trị gia tăng nước ngoài để sản xuất hàng điện tử xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhưng hoạt động này vẫn chiếm phần lớn trong tổng mức độ tham gia của Việt Nam vào GEVC, cho thấy ngành điện tử Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. Một tín hiệu đáng mừng là sự gia tăng, dù ít, của giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu hàng điện tử ra nước ngoài của Việt Nam, tạo ra sự cải thiện trong vị thế của Việt Nam trong GEVC, hướng nhiều hơn tới vị trí thượng nguồn trong chuỗi, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nước nhà.

samsung

Các doanh nghiệp FDI hầu như “bao trọn” hoạt động xuất nhập khẩu hàng hàng diện tử, theo đó khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử trong năm 2020.

Bên cạnh đó, một đặc điểm nổi bật trong sự tham gia của Việt Nam vào GEVC ngành điện tử là sự “lấn át” của doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI hầu như “bao trọn” hoạt động xuất nhập khẩu hàng hàng diện tử, theo đó khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử trong năm 2020.

Đối với hoạt động xuất khẩu giá trị gia tăng ra nước ngoài của Việt Nam, các đối tác thương mại DVX (giá trị gia tăng nội địa hiện diện trong sản phẩm xuất khẩu sang nước thứ ba) đã có chiều hướng thay đổi tương đối rõ rệt theo hướng đa dạng hoá hơn trong giai đoạn 2010 – 2017, từ chủ yếu hợp tác trong khu vực nội vùng Châu Á sang hướng tới liên vùng, chú trọng nhiều hơn tới thị trường Châu Âu, mặc dù vẫn phụ thuộc lớn vào một số thị trường trọng điểm tại Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

Ngược lại, các đối tác thương mại FVA (giá trị gia tăng nước ngoài hiện diện trong sản phẩm xuất khẩu của một quốc gia) của Việt Nam không có nhiều thay đổi đáng kể. Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu đầu vào để sản xuất hàng điện tử xuất khẩu từ thị trường Châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc và cũng bổ sung nhập khẩu từ một số quốc gia ở các khu vực khác như Mỹ, Pháp, Đức và Anh nhưng không nhiều.

So với một số quốc gia đóng vai trò là các mắt xích quan trong trong GEVC cho thấy Việt Nam giống hấu hết các quốc gia khác là đều đang định vị ở hạ nguồn của GEVC và có mức độ tham gia GEVC tương đương với hầu hết các nước đóng vai trò quan trọng trong GEVC. Điều đó cho thấy trong GEVC, Việt Nam là một trong những mắt xích đóng vai trò quan trọng. Điều đó được khẳng định rõ hơn khi quan sát bản đồ liên kết giữa các quốc gia trong GEVC, theo đó toạ độ của Việt Nam có sự kết chặt chẽ với các trung tâm lớn và thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu ngành điện tử.

Linh Nga