Nói về tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – ông Jacques Morisset cho rằng chính phủ hỗ trợ cần có mục tiêu bởi không phải ngành nghề nào cũng chịu tác động giống nhau. Ông Jacques Morisset chỉ ra có ba ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất: du lịch, vận tải hành khách và chế biến, chế tạo xuất khẩu.

Về du lịch, đầu năm Việt Nam từng kỳ vọng đón tiếp 20 triệu lượt khách. “Nhưng hiện nay câu chuyện bùng phát dịch bệnh trở lại tại Đà Nẵng đã cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch rất mong manh” – ông Jacques Morisset nhận định.

Sự bùng phát dịch bệnh trở lại tại Đà Nẵng đã cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch rất mong manh.

Ngành vận tải cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ngoại trừ thời điểm cách ly, vận tải hành khách khó khăn trong thời gian cách ly nhưng vận tải hàng hóa không chịu ảnh hưởng nhiều. Đến hiện tại, vận tải trong nước đã trở lại bình thường, trong khi vận tải hành khách quốc tế tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ khắp thế giới cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp của họ, có những doanh nghiệp quá lớn để thất bại.

Ông cũng cho rằng ngành chế tạo chế biến xuất khẩu có sức chống chọi khá tốt trong thời kỳ khủng hoảng. Song đây chính là động lực tăng trưởng của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam chắc chắn không muốn hàng triệu lao động mất việc nên sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết lúc này.

Trên thực tế, theo dữ liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê vừa công bố thì trong tháng 7 lượng khách quốc tế đến trong tháng 7 vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019, do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Tính chung 7 tháng của năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dự báo sẽ khó khăn hơn trong những tháng tới trước tin tức về các ca nhiễm COVID-19 mới tại Đà Nẵng trong những ngày qua. Báo cáo cập nhật của Savills Việt Nam nhìn nhận diễn biến dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí trên cả nước với từng mức độ khác nhau.

Cũng theo Savills, nhờ vào sự gia tăng khách nội địa, thị trường du lịch Việt Nam đang trên đà hồi phục sau khi bị sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, tình hình dịch trở lại khiến hoạt động của ngành hàng không và du lịch chững lại, Savills cho rằng nguồn thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo cũng sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại trong thời gian tới.

Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO) mới đây tuyên bố đại dịch và chính sách đóng cửa đã khiến du lịch toàn cầu mất trắng 320 tỉ USD. Hiện nhiều người vẫn có xu hướng ở nhà càng nhiều càng tốt cũng là tín hiệu cho thấy viễn cảnh phục hồi u ám của ngành du lịch.

UNWTO thừa nhận nhiều tín hiệu cho thấy nhiều người đang đi du lịch hơn, đặc biệt là tại các quốc gia châu Âu đã mở biên giới đón du khách thế giới trong tháng này. Tuy vậy số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại tại châu Âu và nhiều nước gần đây đang đe doạ quá trình phục hồi này.

Báo cáo chỉ ra du khách Mỹ và Canada là vẫn đang “án binh bất động”, khi người Mỹ bị nhiều quốc gia cấm cửa vì tỷ lệ nhiễm bệnh cao tại quê nhà. Đầu tháng này, bộ phận phát triển và thương mại của Liên hợp quốc nhận định ngành du lịch sẽ chịu thiệt hại 2.200 tỉ USD trong năm 2020.

Du lịch là ngành chịu tổn thương nhiều nhất trong thời gian đại dịch, khi nhiều người ở nhà để tránh lây nhiễm COVID-19. Hội đồng chuyên gia của UNWTO đồng tình ngành du lịch thế giới sẽ phục hồi vào cuối năm 2021.

Tháng 6/2020, Hiệp hội Vận tải hàng không Thế giới (IATA) cho biết ngành hàng không sẽ mất đi 84,3 tỉ USD trong năm nay. Tổ chức này nhận định mảng du lịch hàng không sẽ không thể quay trở về mức cũ trước đại dịch cho tới tận năm 2024.

Linh Nga