Selly được đánh giá là một trong những startup tiên phong cho mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng tại Việt Nam khi xu hướng mua sắm trên các nền tảng cộng đồng đang ngày càng phát triển.

Đại diện Selly cho biết, khởi động từ tháng 4-2021, đến nay mức tăng trưởng kinh doanh gấp 300 lần, có 300.000 đối tác bán hàng, trong đó 80% đến từ các thành phố nhỏ, đa số là những phụ nữ nội trợ và những người mất việc do COVID-19.

Ông Thống Lê Anh Tuấn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Selly, cho biết Selly muốn tập trung đặc biệt vào những phụ nữ nội trợ và những người dễ chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế. Với nguồn vốn mới huy động từ các Quỹ, Selly kỳ vọng có thể cải tiến sản phẩm, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho đối tác bán hàng và nhà cung cấp, đồng thời đưa Selly tới nhiều hơn các tỉnh thành nhỏ lẻ của Việt Nam để người dân tại đó có cơ hội tạo thêm thu nhập.

Với tỷ lệ phổ cập thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ đạt 4,5% và tỷ lệ đô thị hoá là 35%, Selly có cơ hội khai thác một thị trường rất lớn và tăng trưởng nhanh thông qua cách tiếp cận khác biệt so với thương mại điện tử truyền thống.

Bà Amy Do, Giám đốc đầu tư tại JAFCO châu Á, cho biết: “Trong thời kỳ khó khăn do COVID-19, Selly không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mà còn mang đến một công việc làm thêm ý nghĩa cho các đối tác bán hàng. Chúng tôi tin rằng Selly có đầy đủ tiềm năng để dẫn đầu lĩnh vực này trong những năm tới”.

sellydedang1

 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành CyberAgent Capital Vietnam, đánh giá: “Selly có cơ hội khai thác một thị trường rất lớn và tăng trưởng nhanh còn đang bỏ ngỏ thông qua cách tiếp cận độc đáo khác biệt so với thương mại điện tử truyền thống”.

Bên cạnh đó, Selly cũng đang làm việc cùng hàng trăm nhà cung cấp là các xưởng sản xuất, nhà phân phối truyền thống để đưa thương mại sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng tại các tỉnh thành, đảm bảo toàn bộ khâu vận hành bán hàng và chỉ tính chi phí khi hàng được bán thành công.

Tú Khang