Nguồn lực giúp start-up phát triển lâu dài không chỉ là tiền của nhà đầu tư, mà còn là sự tin tưởng vào mục tiêu chung, sẵn sàng chung tay giải quyết các rắc rối liên tục xảy ra.
Quỹ đầu tư tìm kiếm điều gì ở start-up
Là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (pre-Series A, với mỗi thương vụ từ 500.000 đến 1 triệu USD), có quy mô 50 triệu USD, Do Ventures được hai nhà sáng lập là ông Dzũng Nguyễn và bà Lê Hoàng Uyên Vy kỳ vọng, Quỹ sẽ thực hiện tròn vai như một đối tác chiến lược cho các công ty start-up. Vậy Do Ventures thường tìm kiếm điều gì ở mỗi start-up?
Trước hết là đánh giá về quy mô thị trường mà start-up đó đang hoạt động. Thị trường đó có lớn hay không, nếu quy mô nhỏ thì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm có cao hay không, mức độ cạnh tranh trên thị trường như thế nào… là những câu hỏi cần được trả lời.
Sau khi đã xác định được thị trường tiềm năng, đội ngũ Do Ventures sẽ lựa chọn mô hình mà start-up đang theo đuổi nhằm giải quyết bài toán đối thủ cạnh tranh hiện có là ai và doanh thu sẽ đến như thế nào? Một yếu tố kế tiếp để các quỹ đầu tư giai đoạn đầu như Do Ventures cân nhắc liên quan đến đội ngũ sáng lập, điều hành start-up có năng lực ra sao, thể hiện cam kết và quyết tâm phát triển dự án lâu dài như thế nào.
Bên cạnh đó, cấu trúc đầu tư và mức định giá mà start-up đưa ra có hợp lý hay không cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ thương vụ được chốt.
Ông Dương Toàn, Phó chủ tịch UOB Venture Management (quỹ chuyên đầu tư vào các start-up từ series A) cho biết, đơn vị này đang vận hành 2 quỹ với số tiền đầu tư từng thương vụ từ 1 đến 50 triệu USD. Công ty khởi nghiệp nên tỉnh táo khi tiếp nhận vốn của các nhà đầu tư, bởi không phải nhà đầu tư nào cũng phù hợp. Nguồn lực giúp start-up phát triển lâu dài không chỉ dựa vào tiền, mà còn cần sự tin tưởng vào mục tiêu chung, sẵn sàng chung tay giải quyết các rắc rối liên tục xảy ra.
“Dù một quỹ đầu tư đưa ra số tiền đầu tư thấp hơn một chút so với quỹ khác, nhưng họ có thể được công ty khởi nghiệp chọn nếu thể hiện được mức độ cam kết đồng hành, giúp start-up hoàn thành các vòng gọi vốn tiếp theo”, ông Toàn gợi ý về cách chọn nhà đầu tư.
Đánh giá về nhà sáng lập
“Phần lớn các nhà đầu tư ở giai đoạn đầu như Do Ventures luôn nhấn mạnh yếu tố nhà sáng lập. Nếu các yếu tố về thị trường, mô hình kinh doanh, định giá… đều tốt, nhưng yếu tố về nhà sáng lập không ổn thì start-up đó có thể bị bỏ qua. Ngược lại, dù các yếu tố kia chưa được hoàn thiện, nhưng start-up có đội ngũ sáng lập, điều hành rất mạnh, thì nhà đầu tư vẫn có thể sẽ đồng hành”, bà Uyên Vy chia sẻ.
Ngoài nhà sáng lập, ông Dương Toàn còn quan sát cả đội ngũ hay những cá nhân phụ trách công nghệ, tài chính…, nhằm đánh giá về sức mạnh tổng thể của start-up. “Nếu có những người phụ trách từng mảng tốt thì đó là một start-up có triển vọng”, ông Toàn chia sẻ.
Có nhiều cách để quỹ đầu tư đánh giá mức độ phù hợp của đội ngũ sáng lập. Do Ventures đặt yêu cầu về sự trung thực, thẳng thắn lên hàng đầu. Các năng lực khác trong điều hành, phát triển sản phẩm, xây dựng đội ngũ… đều có thể tiếp tục bổ sung trong quá trình phát triển start-up.
Qua quá trình trao đổi với nhà sáng lập, với đối tác, bạn hàng của họ, quỹ đầu tư có thể thu về một số thông tin để đánh mức mức độ trung thực của nhà sáng lập. Việc nhà sáng lập sẵn sàng thừa nhận mình không nắm rõ một thông tin nào đó cũng là biểu hiện của sự trung thực, thay vì khăng khăng khẳng định mình đúng.
Rất khó tìm được nhà sáng lập nào vẹn toàn khả năng về quản trị, công nghệ, đến tài chính, marketing, bởi mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Vì vậy, việc hiểu rõ bản thân đang thiếu sót ở mảng nào và chủ động tìm hiểu, thể hiện khả năng tự học sẽ giúp các nhà sáng lập có được sự tin cậy từ quỹ đầu tư.
Cả Giám đốc điều hành Do Ventures và Phó chủ tịch UOB Venture Management đều cho rằng, nhà sáng lập hay đội ngũ start-up có thể không phải là những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực, nhưng nếu có tham vọng, liên tục tự học, kiên định mục tiêu mà không cứng đầu khi thực thi, sẵn sàng điều chỉnh cho phù hợp sẽ là những nhân tố để start-up được quỹ đầu tư “chọn mặt gửi vàng”.
Theo BĐT