ktvn

Thu hút vốn FDI của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới.

Ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng Ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định “Với triển vọng kinh tế tươi sáng, sự ổn định xã hội, những thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán và bất động sản đạt cao hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam tiếp tục mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn”.

“Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng đã diễn ra mạnh mẽ. Nhu cầu trên thế giới phục hồi chậm chạp và tâm lý đầu tư ảm đạm có thể sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ trong thời gian tới”, các chuyên gia của Standard Chartered nhấn mạnh.

Trước đó vào đầu năm 2021, Standard Chartered cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt mức 7,8%. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.

Trong một báo cáo mới công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.

IMF cho biết, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường năng lực phục hồi của kinh tế. Dù vẫn còn một số điểm yếu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn so với trước kia.

Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.

sanxuat

Vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như ADB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,1%, hay HSBC với dự báo kinh tế tăng trưởng 7,6%.

Các tổ chức trong nước như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo ở kịch bản tốt nhất đánh giá GDP Việt Nam tăng lần lượt 6,46% và 6,72%.

Theo nhận định của các chuyên gia của CIEM, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: CMCN 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam; Khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài; Nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.

Cuối cùng, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…, không chỉ ở thị trường Mỹ, chuyên gia của CIEM cho hay.

Do đó, các chuyên gia của CIEM nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường. “Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải “bện chặt” với nhau hơn”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.