Việc triển khai dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) của SpaceX tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý cuối cùng. Đây là bước đi quan trọng mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ Internet băng rộng vệ tinh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và các khu vực khó phủ sóng bởi hạ tầng viễn thông truyền thống.
Hoàn thiện thủ tục pháp lý, sẵn sàng cấp phép
Theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ KH&CN), SpaceX – đơn vị sở hữu hệ thống Starlink – đang tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Việc này được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã quy định thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài…

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Anh Cương thông tin về triển khai dịch vụ viễn thông tầm thấp của Tập đoàn SpaceX.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg về việc cho phép thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi hoàn tất việc đăng ký doanh nghiệp, SpaceX sẽ tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Theo quy định hiện hành, thời gian xử lý hồ sơ cấp phép không quá 15 ngày.
Giải pháp cho những vùng lõm sóng, địa hình khó khăn
Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, mô hình dịch vụ vệ tinh LEO như Starlink sẽ không cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ viễn thông truyền thống. Thay vào đó, Starlink sẽ tập trung vào các khu vực mà hạ tầng cáp quang và mạng di động khó tiếp cận hoặc chưa được triển khai hiệu quả.
Hiện nay, dù mạng di động Việt Nam đã phủ sóng tới 99,8% dân số, nhưng chỉ đạt khoảng 58% diện tích đất liền và 14,5% tổng diện tích lãnh thổ (bao gồm cả vùng biển). Cùng với đó, còn khoảng 17% hộ gia đình chưa sử dụng dịch vụ cáp quang, phần lớn tập trung ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Với ưu thế về vùng phủ rộng, không bị giới hạn bởi địa hình, Starlink có thể là giải pháp hữu hiệu cho các tàu thuyền trên biển, các chuyến bay đường dài và các vùng viễn thông công ích – nơi mà chi phí duy trì 1 điểm phát sóng di động hiện lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tiềm năng và thách thức
SpaceX từng công bố kế hoạch đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam để phát triển hạ tầng cung cấp dịch vụ Starlink. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, dịch vụ sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, thu hẹp khoảng cách số và tăng cường kết nối ở những khu vực chưa có hạ tầng Internet cố định.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với Starlink tại thị trường Việt Nam chính là giá cước. Theo mức giá tham khảo tại các thị trường khác, Starlink hiện có chi phí khoảng 99 USD/tháng (tương đương 2,4 triệu đồng), chưa bao gồm chi phí thiết bị. Con số này cao hơn nhiều lần so với mặt bằng giá cước Internet cáp quang tại Việt Nam (dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/tháng).
Ngoài ra, dịch vụ Internet vệ tinh cũng chịu một số hạn chế về tốc độ, độ trễ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nên khó có thể thay thế hoàn toàn hạ tầng truyền thống.
Để triển khai thành công và hiệu quả, SpaceX được khuyến nghị cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trong nước nhằm tối ưu hạ tầng hỗ trợ, chuỗi cung ứng và các dịch vụ hậu cần.
Việc SpaceX đưa Starlink vào Việt Nam không chỉ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận Internet dễ dàng hơn mà còn mở ra nhiều tiềm năng ứng dụng trong quốc phòng, an ninh, cứu nạn cứu hộ, và các dịch vụ khẩn cấp.
Hiện chưa có thông tin chính thức về thời điểm SpaceX bắt đầu cung cấp dịch vụ, song quá trình hoàn thiện thủ tục đang được hai bên tích cực thúc đẩy.
Đỗ Khuyến