23.000 đồng bào, chiến sĩ, có thể ít hơn hoặc nhiều hơn trong giai đoạn tới. Tất cả không chỉ dựa vào vaccine.
Quốc tang tưởng niệm 23.000 đồng bào, đồng chí mất đi trong đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng, bất kỳ phút giây yên ả nào cũng đánh đổi với giá rất đắt. Và mọi thứ không như một tai họa bình thường. Ngày mai, ngày kia, tháng sau, năm sau,…dịch sẽ ra sao? Khoa học chưa dự báo được!
Làn sóng dịch thứ 5 đang quay lại, ngày 1/11 cả nước phát hiện 5.598 ca nhiễm, 5 ngày sau là 7.491 ca, 3 ngày tiếp theo lên 8.133 ca, tính đến ngày 19/11 là 9.625 ca.
Dakrong, một huyện rất nghèo của Quảng Trị – nơi có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã trở thành ổ dịch phức tạp nhất tỉnh, 30 ca lây nhiễm cộng đồng vừa phát hiện, có lịch sử di chuyển nhiều ngày, nhiều địa điểm.
Nhìn về TPHCM, nơi có điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, khám chữa bệnh tốt nhất nước mà rất lo lắng cho các địa phương nghèo khó, đồng bào dân tộc thiểu số vốn ở xa trung tâm, dân trí hạn chế.
Hàng vạn đám tang không kèn, không trống, không người thân thích, đơn chiếc trong khu cách ly, lỡ… không may gục xuống cũng chỉ một mình đến nhà hỏa táng và lặng lẽ “trở về” trong chiếc hũ sành nho nhỏ. Có lẽ, nỗi đáng sợ nhất của COVID-19 là sự cô đơn bao trùm, xâm lấn trong ý thức rồi giật mình thon thót nếu mình bị nhiễm, người thân bị nhiễm…!
Nhưng không còn cách nào khác, vẫn phải sống tiếp, sống chung với dịch bệnh, bởi kinh tế trì trệ, lao động thất nghiệp, nhà máy không sản xuất, doanh nghiệp phá sản, nguồn thu ngân sách teo tóp sẽ dẫn đến cái kết tồi tệ không kém.
Độ phủ vaccine ngày càng sâu rộng, nhưng hãy dẹp bỏ tâm lý “đã tiêm” đồng nghĩa với “miễn nhiễm”; đừng coi thường chiếc khẩu trang trên mặt và thói quen sát khuẩn liên tục.
Sống tiếp trong đại dịch là sống mới, sống khác. Không có âm thanh thúc giục trên loa phường không có nghĩa là thoải mái lê la quán sá sau giờ hành chính, đến bất cứ đâu không có biển đỏ cảnh báo.
Hệ thống Y tế đã chiến đấu căng thẳng suốt nhiều tháng trời, mỏi mệt thậm chí rệu rã là tâm lý khó tránh khỏi. Giờ là lúc trông cậy vào mặt trận phòng thủ, gồm hai lá chắn, củng cố ý thức phòng dịch và phủ dày vaccine.
Trương Khắc Trà