Mới đây, ngày 27/10/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7850/VPCP-CN gửi các cơ quan Bộ, Ngành và UBND TP. Hà Nội… theo báo cáo, kiến nghị của Công ty cổ phần Bitexco tại công văn số 264/21/CV-BITEXCO.JSC ngày 23/9/2021 về việc “kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để tiếp tục hoàn thành dự án khu đô thị Nam đường Vành đai 3 đồng bộ”.

ava_1

Một góc dự án khu đô thị Nam đường Vành đai 3 do Bitexco làm chủ đầu tư

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan và UBND Thành phố Hà Nội nghiên cứu, xem xét, có ý kiến rõ về việc ký kết hợp đồng BT tại dự án nêu trên đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng chưa, đồng thời có ý kiến tham mưu, đề xuất cụ thể về kiến nghị của Công ty cổ phần Bitexco tại các văn bản nêu trên theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp gặp khó

Theo tìm hiểu của PV, năm 2014, TP Hà Nội và Bitexco đã ký hợp đồng BT – Công ty Cổ phần Bitexco (Bitexco JSC) là Nhà đầu tư thực hiện dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì theo Hợp đồng BT số 02/2014/HĐBT và phụ lục Hợp đồng số 06/2018/PLHĐ-2/2014/HĐBT ký tháng 12/2018.

Hợp đồng quy định quỹ đất đối ứng giao cho Công ty Bitexco đầu tư xây dựng kinh doanh là 20,8ha tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3 quy mô 65,8 ha. Nhà đầu tư Bitexco đã hoàn thành công tác thiết kế và thẩm duyệt từ năm 2018, nhưng đến nay thủ tục giao giai đoạn 2 vẫn chưa được giải quyết, UBND Thành phố Hà Nội chưa hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm theo như Hợp đồng BT đã ký do vướng mắc về cơ chế, chính sách giữa các quy định của pháp luật liên quan.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Bitexco cho biết, với các dự án BT khác, nhà đầu tư làm công trình hạ tầng, đường giao thông và đổi lấy quỹ đất thương mại (quỹ đất sạch) để kinh doanh đầu tư thu hồi vốn. Nhưng với dự án BT Chu Văn An, Công ty cổ phần Bitexco mong muốn đầu tư Khu đô thị hiện đại, góp phần đem lại diện mạo khang trang khu vực phía Tây Nam Thủ đô – kinh phí đầu tư sẽ được cân đối từ một phần quỹ đất dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất khu đô thị và đồng bộ hạ tầng giao thông – công trình đô thị của Thành phố.

Trong quá trình lập dự án, nhà nước muốn huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng các công trình hạ tầng, vì vậy mặc dù chỉ được giao quỹ đất đối ứng 20,8ha cho dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An theo hình thức BT, nhưng ngoài việc thi công xây dựng công trình BT Chu Văn An để đồng bộ hạ tầng giao thông – công trình đô thị của Thành phố, Bitexco đã chủ động ứng vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho toàn bộ 65,8 ha, và bàn giao lại cho thành phố các quỹ đất để xây dựng các cơ quan của Thành phố Hà Nội như : Tòa án Nhân dân Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội, Trụ sở Công an PCCC Hà Nội.

“Các quỹ đất này không thuộc quỹ đất đối ứng và không thuộc phạm vi công việc đối ứng dự án BT. Số tiền Bitexco ứng vốn để thực hiện các công tác hoàn thiện hạ tầng, bàn giao quỹ đất sạch cho Thành phố lên tới gần 1.000 tỷ (tính từ năm 2016 tới nay) và nhà đầu tư vẫn đang phải chịu lãi suất theo thời gian hàng năm, gây tổn thất tài chính rất lớn cho doanh nghiệp” – đại diện Bitexco chia sẻ.

Hồi tháng 3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về tình hình, kết quả triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, trong đó giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn gốc, quá trình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 và dự án xây dựng đường giao thông bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT của Công ty CP Bitexco. Trên cơ sở đó, xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư Bitexco theo đúng các quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó tới nay, Hà Nội vẫn chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị của Bitexco. Việc kéo dài thời gian bàn giao quỹ đất cho Bitexco đã khiến nhà đầu tư này gặp không ít khó khăn do đã dành phần vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giai đoạn 2 nhưng chưa thu hồi được, phải chịu lãi theo thời gian do việc chậm bàn giao đất, qua đó chịu tổn thất lớn về tài chính.

Cho ý kiến về việc Hà Nội dừng giao đất cho nhà đầu tư Bitexco tại khu đô thị Nam đường vành đai 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp đều khẳng định: Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án trước 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết.

anh-cover-e6d1

Nhiều dự án BT được ký kết trước thời điểm 1/1/2018 nhưng đến nay chưa được thanh toán với lý do chờ hướng dẫn thực hiện. 

Tương tự, dự án BT đường số 4, phía Tây thành phố Nha Trang là một trong những dự án thuộc danh mục mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 2014 trong bối cảnh nguồn ngân sách thực hiện các dự án công khá hạn hẹp.

Tháng 10/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư VCN, theo hình thức đầu tư BT với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ đối ứng cho Công ty VCN hơn 3,8ha đất tại Trung tâm Đô thị- Thương mại- Dịch vụ- Tài chính- Du lịch Nha Trang, tại Sân bay Nha Trang cũ.

Tuy nhiên, sau khi tuyến đường này được làm xong vào năm 2016, khu đất này lại nằm trong phần đất sẽ được đấu giá để làm sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Vì thế, tỉnh Khánh Hòa không thể giao đất đối ứng tại Sân bay Nha Trang cũ cho Công ty VCN.

Ông Phạm Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VCN cho biết, tuyến đường đã làm xong, đưa vào sử dụng, quyết toán hơn 3 năm, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được thanh toán.

“Khi được biết sân bay không đối ứng cho, số vốn đọng lại hơn 3 năm. Với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tài chính của doanh nghiệp rất khó khăn. Cũng mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải quyết tháo gỡ, để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư, để tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khác. Việc này chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn” – ông Cường chia sẻ.

Gỡ vướng cho các dự án BT

Trên địa bàn TP HCM đang có hàng trăm dự án đầu tư theo hình thức BT. Các chủ đầu tư đã được ký kết trước thời điểm 1/1/2018 dù đã hoàn thành xây dựng, được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, với lý do chờ hướng dẫn thực hiện.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thời gian qua nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn rất lớn, đã “kêu cứu” do bị thiệt hại vì bị chôn vốn vào dự án, phát sinh lãi ngân hàng và các chi phí quản lý. Theo HoREA, Chính phủ và các địa phương cần sớm thực hiện rà soát để hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, bịt kín các lỗ hổng, để đủ điều kiện khởi động lại phương thức đầu tư dự án theo hình thức BT. Trước hết là giải quyết thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án thực hiện theo Hợp đồng BT được ký trước ngày 1/1/2018.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy các dự án đầu tư được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ với 10 nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư hiện hữu.

“Trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Phương Uyên