Dịp Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm qua kênh trực tuyến (online) để được giao hàng tại nhà, thay vì trực tiếp đi lựa chọn bởi tâm lý lo ngại dịch bệnh.
Khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp cũng là lúc thị trường chợ Tết online nhộn nhịp. Việc chỉn chu đầu tư sáng tạo, gây dựng niềm tin cho khách hàng là yêu cầu tiên quyết để dù là chợ online vẫn đảm bảo được sự lành mạnh và hiệu quả.
Chung xu hướng đó, chị Loan – Hợp tác xã Giò chả Ước Lễ, Hà Nội – bắt đầu công việc livestream giới thiệu sản phẩm. Dịp Tết này, lượng giò chả bán ra qua kênh online mang đến 40% lợi nhuận cho gia đình chị.
“Một vài năm nay chúng tôi áp dụng công nghệ mới, bán hàng online, bán qua thương mại điện tử, hợp tác xã cũng đẩy mạnh xúc tiến giúp các hộ kinh doanh sản xuất giò chả. So với mọi năm do ảnh hưởng của dịch thì kém hơn nhưng về bán hàng online tăng gần 50%”, chị Loan cho hay.
Chú trọng vào cam kết về chất lượng, chị Loan cũng thường xuyên ghi lại hình ảnh sản xuất trực tiếp tại xưởng, để khách hàng có niềm tin vào các sản phẩm dù là mua qua mạng.
Về nhu cầu mua sắm online, chị Khánh Hương, một khách hàng tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết từ đầu mùa dịch COVID-19 tới nay, chị luôn đặt mua hàng qua kênh online. Với hàng hóa phục vụ cho dịp tết sắp tới, chị cũng chủ yếu đặt mua qua kênh online. “Mua qua đây vừa có hàng mình cần mà không phải vô chỗ đông người để lựa thực phẩm. Hàng hóa bị hư hỏng hay héo úa chỉ cần liên hệ với nơi bán là được đổi hoặc hoàn tiền” – chị Hương nói.
Để đáp ứng nhu cầu mua hàng tết qua kênh online của khách, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cũng cho biết nhận thấy nhu cầu “không muốn ra đường nhưng vẫn mua được thực phẩm mùa tết” nên đã tăng bán hàng qua kênh TMĐT, đồng thời thường xuyên chạy các chương trình giảm giá để kích cầu mua sắm.
“Chúng tôi hợp tác với sàn TMĐT Lazada để đẩy mạnh phân phối bán lẻ online. Song song đó, chúng tôi xây dựng lại website của công ty nhằm mở thêm kênh mua sắm cho người tiêu dùng” – đại diện Sagrifood cho hay.
Không chỉ các công ty sản xuất đẩy mạnh bán hàng online mùa tết mà nhiều hệ thống đại siêu thị cũng tấn công mạnh vào kênh này. Theo đó, hệ thống siêu thị GO! thông tin đơn vị này tung ra rất nhiều kênh bán hàng online để khách hàng dễ dàng đặt giỏ quà tết và mua sắm hàng tết với mức giá ưu đãi thông qua Tiki, ShopeeFood, GrabMart hay kênh mua sắm của Zalo, Facebook, hotline và cả ứng dụng GO! Big C.
Tương tự, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tung ra 10.000 sản phẩm tập trung vào các nhóm ngành hàng thiết yếu như bánh kẹo, mứt, thức uống, thực phẩm tươi sống… phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm.
Nhà bán lẻ này còn nhấn mạnh để phục vụ tết 2022, siêu thị sẽ giao hàng theo nhu cầu của khách, kể cả sau giờ hành chính. Đặc biệt, siêu thị này cam kết giao hàng trong vòng 4 giờ sau khi đơn hàng được xác nhận và miễn phí vận chuyển trong bán kính 7 km.
Trái ngược với chợ online, dù Tết Nguyên đán đang gần kề, nhưng sức mua tại các chợ truyền thống giảm. Nhiều tiểu thương chỉ kinh doanh cầm chừng.
Hơn 20 năm kinh doanh tại chợ Thành Công, quầy thịt lợn của chị Hằng chưa bao giờ vắng khách như vậy vào dịp Tết. Phần vì nhiều người đi siêu thị, phần vì mua bán online. Đây là tình cảnh chung của nhiều sạp hàng khách trong chợ. Mức tiêu thụ hàng hóa chỉ trung bình, kể cả trong những ngày cận Tết.
“Năm nay bán kém hơn. Mọi năm ví dụ cả gia đình người ta tụ tập, người ta mua 2 -3 con gà. Nhưng năm nay, một gia đình chỉ mua 1 con thôi”, ông Nguyễn Ngọc Dương, tiểu thương chợ Thành Công, TP Hà Nội, cho hay.
Tết Nguyên đán đang gần kề, nhưng nhiều tiểu thương chỉ kinh doanh cầm chừng, không dám nhập hàng trữ bán như mọi năm. Nhiều người cũng phải chuyển sang bán hàng online, bán qua mạng xã hội để có thêm đơn hàng.
Phương Anh