Ngày Tết Hàn thực (mùng 3/3 Âm lịch) đang cận kề, những ngày này, thị trường bánh trôi, bánh chay và nguyên liệu làm bánh khá sôi động.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Và bánh trôi bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này, với cách làm cũng không quá cầu kỳ, bất cứ bà nội trợ nào cũng dễ dàng tự thực hiện món bánh này.
Dạo quanh thị trường những ngày này, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Nhổn, chợ Xanh, chợ Nghĩa Tân,… các tiểu thương đã bày bán rất nhiều nguyên liệu phục vụ cho người dân. Ngoài ra, ở các chợ cóc, các hàng quán vỉa hè cũng có nhiều điểm bán bột và bánh trôi.
Bột nếp tươi làm bánh trôi, bánh chay đang được rao bán khá rầm rộ. Những gói bột này đã bao gồm đầy đủ nguyên liệu như: Bột, nhân đường, nhân đậu xanh, vừng, dừa nạo, bánh ngũ sắc đóng hộp… Khách hàng chỉ việc nặn, tạo hình theo ý thích và luộc chín.
Bánh trôi, bánh chay ngày nay đa dạng hơn về màu sắc. Không chỉ là màu trắng truyền thống mà còn có màu tím, màu xanh từ dứa, màu đỏ từ gấc, màu vàng từ củ dành dành.
Nhìn chung, thị trường phục vụ Tết Hàn thực năm nay rất đa dạng. Ngoài bánh chay, bánh trôi, trên thị trường còn xuất hiện loại bánh trôi hiện đại như bánh nhân trứng muối bánh nhân socola, bánh tạo hình ngộ nghĩnh…
Trước đó, từ thời xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.
Vào những ngày này, cùng người thân thưởng thức một đĩa bánh trôi, bánh chay, chúng ta cảm nhận được hương vị truyền thống từ nghìn năm qua, để ôn lại những chuyện xưa cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc.
Tú Linh