Thông tin cập nhật sáng 28/1 cho thấy, số người chết vì dịch bệnh do virus corona ở Trung Quốc đã tăng vọt lên con số 106, trong khi gần 1.300 trường hợp mới được xác nhận.
Uỷ ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh cho biết, hiện đã có thêm 24 bệnh nhân đã chết vì virus và có 1.291 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh được xác nhận trên toàn quốc lên con số hơn 4.000.
Đã có hơn 4.000 trường hợp lây nhiễm và hơn 100 trường hợp tử vong do viêm phổi cấp virút corona gây ra.
Trước đó ngày 24/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trì hoãn việc đưa ra quyết định về vấn đề này một ngày, sau khi chính quyền Trung Quốc công bố những biện pháp phòng dịch quyết liệt chưa có tiền lệ liên quan tới dịch viêm phổi cấp do chủng virút corona mới gây ra.
“Không hề có sai sót gì ở đây cả. Đó là một tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể trở thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nói.
Theo WHO, các thành viên của ủy ban khẩn cấp đã có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, về tổng thể, họ nhất trí rằng còn quá sớm để coi virus corona mới ở Trung Quốc là một Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, WHO đã thừa nhận sai lầm về đánh giá rủi ro liên quan đến loại virus chết người tại Trung Quốc.
WHO thừa nhận đã tuyên bố không chuẩn trong những báo cáo trước đó về tình hình của dịch cúm Vũ Hán tại Trung Quốc công bố vào ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy tuần trước, khi đó WHO nhấn mạnh rằng rủi ro toàn cầu ở mức trung bình.
WHO nhấn mạnh rằng họ đã tuyên bố sai trong những báo cáo trước đó rằng rủi ro ở mức trung bình. Việc điều chỉnh mức độ rủi ro không đồng nghĩa rằng tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đã được tuyên bố.
Virus cúm Vũ Hán lần đầu bị phát hiện tại thành phố Vũ Hán vào ngày 31/12/2019.
Trường hợp thiệt mạng đầu tiên ở Bắc Kinh là người đàn ông 50 tuổi, từng đến Vũ Hán ngày 8/1 và sau đó bị cúm khi trở lại thủ đô. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus corona vào ngày 22/1 và chết vì suy hô hấp.
Từ đó đến nay, loại virus này đã lây lan sang hơn 4.000 người trên khắp thế giới, tuy nhiên các ca mắc chủ yếu tập trung ở Trung Quốc.
Hiện Thái Lan và Hong Kong đều đã có 8 trường hợp nhiễm bệnh; Mỹ, Đài Loan, Australia và Macau có 5; Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia mỗi nước có 4 người nhiễm; Pháp có 3 trường hợp còn Canada và Việt Nam mỗi nước 2 trường hợp.
Nepal, Campuchia và Đức mỗi nước đều ghi nhận 1 trường hợp nhiễm bệnh. Hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì virus corona ở ngoài Trung Quốc.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi cách ly (bao gồm cả 2 trường hợp người Trung Quốc bước đầu dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM trong tình trạng ổn định).
Để hạn chế tình trạng lây nhiễm, Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây chéo tại bệnh viện và lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế.
Chính phủ Việt Nam đã khẳng định tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.
Theo nhìn nhận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đây là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vaccine, lây lan nhanh trong khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, khách du lịch nhiều nước, trong đó có du khách Trung Quốc đến Việt Nam đông và chúng ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất hiện dịch. Hiện số lượng du khách Trung Quốc ở Việt Nam còn đông. Do đó, có nguy cơ lây lan dịch ở Việt Nam”.
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Yêu cầu là chống dịch như chống giặc. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các ngành chức năng và và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động kiểm soát, đề ra biện pháp trên cơ sở tham mưu của ngành y tế để khoanh vùng. Tiến hành một số biện pháp cần thiết để ngăn chặn hiệu quả dịch lây nhiễm qua các con đường gồm du lịch, đường hàng không, đường thủy, đường bộ.
Đặc biệt, Bộ Y tế cần có kịch bản để chủ động phòng chống trong các tình huống cụ thể. Nghiên cứu, đưa ra phác đồ điều trị cho các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị trên tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuôc, có chế độ công tác khắt khe, thường xuyên kiểm tra, có biện pháp dự phòng, chuẩn bị tài chính, bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thông tin thường xuyên đến người dân, nhất là các biện pháp phòng ngừa chủ động, không gây hoang mang, dao động cho người dân cũng như khuyến nghị không đến các nơi tập trung đông người.