Theo Cục Sở hữu trí tuệ, về cơ bản công chúng đã thấy và hiểu được vai trò của sở hữu trí tuệ là “chìa khoá” hội nhập thời kỳ mới.
Tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học
Chia sẻ với phóng viên nhân dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023 là: “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ – Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” tập trung tôn vinh vai trò của phụ nữ bởi những đóng góp tích cực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và công cuộc đổi mới sáng tạo.
Mặc dù, tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế là phụ nữ. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước).
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Ví dụ, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bà đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng; TS. Lê Thái Hà (34 tuổi) là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố; GS. TS. Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc….
Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp nữ giới bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.
Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Ví dụ, Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Qua 4 năm thực hiện đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.
Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ, tăng năng lực cạnh tranh bình đẳng giới ở trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, chính sách trong nước để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển.
Các quy định pháp luật, chính sách này cần xây dựng và cụ thể hóa theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, có đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu. Cần bổ sung nhiều những chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.
Bên cạnh đó, có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên nữ giới hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo cho phụ nữ Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế.
Đồng thời, hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, hoặc các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ như: Diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng chế của nữ…
Sở hữu trí tuệ: Công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược, là cơ sở quan trọng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh từ đó thúc đẩy đất nước phát triển năng động và bền vững.
Trong những năm qua, làn sóng đổi mới sáng tạo đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên mọi nơi trong nhiều lĩnh vực, và cùng với phong trào “khởi nghiệp”, “đổi mới sáng tạo”, thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Do vậy, về cơ bản công chúng đã thấy và hiểu được vai trò của sở hữu trí tuệ là chìa khoá hội nhập thời kỳ mới.
Thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới và đa dạng cách tiếp cận các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, cần có các giải pháp triển khai đồng bộ và sáng tạo hơn để đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.
Với chức năng của mình, Cục Sở hữu trí tuệ có đủ năng lực chuyên môn và đội ngũ cán bộ để hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể có liên quan hiểu hiểu đúng quy định và hành động đúng thời điểm.
Ông Nguyễn Văn Bảy cũng cho hay, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (Nghị định thay thế) trình Chính phủ xem xét, thông qua. Hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế đã được trình Chính phủ theo kế hoạch và hiện nay, đang được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương xây dựng Hồ sơ dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN nhằm hoàn thiện khung pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hồ sơ dự thảo Thông tư đang được tiến hành thẩm định và sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất sau khi Nghị định thay thế được thông qua để kịp thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong các thủ tục liên quan đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật.
Trong quá trình triển khai xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định đều được xây dựng trên cơ sở thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ và không phân biệt đối xử về giới, luôn đảm bảo nguyên tắc “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” như quy định tại Điều 5 của Luật Bình đẳng giới năm 2006. |