Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 10/2022, cả nước có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 106.900 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 76.900 lao động.
Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 125.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.379,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 835.000 lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2022 đạt 11 tỷ đồng. Nếu tính cả 2.794,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 42.600 lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2022 là 4.173,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 52.700 doanh nghiêp quay trở lại hoạt động (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên gần 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10/2022, có 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.602 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 10 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66.400 doanh nghiệp; 40.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 12.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Liên quan đến số doanh nghiệp thành lập mới, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh Hoa Quản Trị đánh giá, những con số là tín hiệu tích cực trong bối cảnh quá nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang phải chật vật ứng phó. Năm nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn nhiều hơn những gì được dự báo. Đó là xung đột Nga – Ukraine kéo dài sau đại dịch, giá nhiên liệu thế giới tăng mạnh. Với nền kinh tế có độ mở lớn, chắc chắn doanh nghiệp Việt phải gặp rất nhiều khó khăn.
Bất chấp những khó khăn trên, con số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 vọt lên hơn 13.000 là điều đáng mừng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn trong 10 tháng vẫn còn khá cao, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo chuyên gia Đỗ Hoà, trong tình trạng hiện nay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định là cần thiết. Một mặt khuyến khích doanh nghiệp mới thành lập, nhưng một chính sách để duy trì doanh nghiệp hoạt động, giảm thiểu số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh… mới giúp nền kinh tế phát triển mạnh một cách bền vững được.
“Vấn đề tỷ giá, lãi suất đang gây đau đầu cho doanh nghiệp. Chỉ còn 2 tháng nữa kết thúc năm, doanh nghiệp cần nguồn tài chính để duy trì sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ tết, những nút thắt trong lãi vay cần sớm tháo gỡ. Về phía doanh nghiệp, cũng phải tối ưu hóa, tiết kiệm và cải tiến tinh giản bộ máy gọn nhất có thể nhằm giảm chi phí để vượt qua giai đoạn hiện nay”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.
Tuấn Minh