Theo một số chuyên gia, Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư Singapore do tương đồng về độ mở thị trường, cùng chí hướng phát triển bền vững và cùng tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất năm 2022 tại Việt Nam với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm trên 23% tổng vốn FDI.
Tại Hà Nội, năm 2022, Singapore cũng dẫn đầu về vốn đầu tư FDI khi chiếm đến gần 35% tổng vốn đầu tư. Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam- Singapore, nhiều hoạt động xúc tiến trực tiếp đã được triển khai.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện nay các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam mới tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, thứ hai là kinh doanh bất động sản và thứ 3 là lĩnh vực sản xuất điện. Vì vậy, họ kỳ vọng sẽ mở rộng đầu tư thêm vào các lĩnh vực tiềm năng mới.
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỉ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Các doanh nghiệp hai nước cũng cho biết sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và RCEP để tăng trưởng thương mại quốc tế, tăng đòn bẩy đưa hàng hóa Việt Nam đi xa hơn sang nhiều thị trường khác.
Theo tìm hiểu, năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng FDI vào Việt Nam trong năm. Đáng lưu ý, trong tháng đầu năm 2023, trong khi vốn FDI vào Việt Nam giảm gần 20% thì các nhà đầu tư từ quốc đảo Singapore cũng kịp đổ vào Việt Nam 767,6 triệu USD, chiếm gần 64% tổng vốn đăng ký cấp mới, trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án được cấp phép tại Việt Nam trong tháng 1 vừa rồi. Tính lũy kế hết năm 2022, quốc đảo là nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á với hơn 3.600 dự án, đạt trên 70 tỉ USD.
Trong năm 2022, có một số dự án điều chỉnh của Singapore tại Việt Nam tăng vốn mạnh mẽ. Nổi bật là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, tăng thêm gần 941 triệu USD; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation VN tại TP.HCM điều chỉnh tăng thêm gần 494,2 triệu USD.
Liên quan đến hút vốn FDI, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, có nhiều lý do thu hút các nhà đầu tư Singapore quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đó là Việt Nam có một nền kinh tế đang phát triển và là một nền kinh tế mới nổi. Đáng nói, trong giai đoạn khó khăn nhất vì đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng vững chắc, bất chấp bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, tầng lớp trung lưu trong nước vẫn đang tiếp tục gia tăng. Thứ hai, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như giáo dục chưa thực sự phát triển, cần thời gian để cải thiện hạ tầng, nâng cấp môi trường đầu tư – kinh doanh. Ngược lại, Singapore lại là quốc gia có thế mạnh về các lĩnh vực trên. Từ hạ tầng, logistics, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, công nghiệp hàng hải, hàng không vũ trụ… Do đó, nếu biết tận dụng, Việt Nam là cơ hội lớn cho nhà đầu tư Singapore mang thế mạnh đầu tư của mình sang Việt Nam phát triển.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới về thương mại và đầu tư. Vốn FDI đã trở thành “bộ phận hữu cơ” trong nền kinh tế Việt Nam và đóng góp khoảng 20% mỗi năm vào tổng vốn đầu tư của cả nước. Cả 2 quốc gia Việt Nam và Singapore có nét tương đồng là đi đầu khu vực trong hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết và đàm phán hàng loạt các FTA. Đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà Việt Nam có ký kết các hiệp định FTA như thị trường Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN… Chính nét tương đồng này giúp 2 nước tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chính sách thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh song phương có hiệu quả”, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Singapore, tăng trưởng kim ngạch 2 con số mỗi năm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Singapore là thị trường trung chuyển hàng hóa của thế giới có độ mở rất cao với tổng kim ngạch thương mại lên đến 1.200 tỉ SGD trong năm 2021, gấp đôi GDP của quốc đảo này.
Theo tìm hiểu, do nền kinh tế chủ yếu hoạt động dịch vụ, công nghiệp chủ yếu tập trung vào các ngành điện tử, cơ khí chính xác và chuỗi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nên tiêu dùng của Singapore gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Do đó, dư địa cho hàng Việt vào thị trường này vẫn còn rất lớn.
Hiện hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Singapore chủ yếu là may mặc, sắt thép, đồng, lò hơi, thủy tinh; thuốc lá, muối, thạch anh, vôi, xi măng. Kim ngạch lớn nhất thuộc về máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại. Singapore cũng là thị trường mua dầu thô lớn của Việt Nam. Chỉ trong tháng cuối năm 2022, xuất khẩu nhóm xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ từ Việt Nam vào Singapore tăng gấp 7 lần so với tháng 11/2022.
Tuấn Linh