Carrefour đánh giá đó là “lừa dối khách hàng” và loại một loạt các sản phẩm mà họ cho là dùng “lạm phát thu nhỏ” ra khỏi toàn bộ cửa hàng của mình trên 4 nước châu Âu.
Bắt đầu từ tuần này, đại siêu thị Carrefour của Pháp loại các sản phẩm quen thuộc mà họ cho là dùng “lạm phát thu nhỏ” ra khỏi toàn bộ hệ thống cửa hàng của mình trên 4 nước châu Âu là Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha.
Đây làm một động thái mới nhất, và quyết liệt nhất của Carrefour nói riêng và châu Âu nói chung đối với chiêu thức “lạm phát thu nhỏ” của các nhãn hàng.
Thời lạm phát, giá thành tăng cao, các nhãn hàng không muốn tăng giá sản phẩm vì tăng giá sẽ khiến người tiêu dùng “phiền lòng”, có thể dẫn tới “mất khách”. Song họ lại cũng không muốn bị hụt lợi nhuận do phải giữ giá. Thế là họ vẫn giữ giá sản phẩm nhưng rút bớt số lượng bên trong. Ví dụ trước đây một gói bánh có 20 chiếc bánh thì bây giờ tuy giá không đổi nhưng chỉ còn 18 chiếc. Chiêu thức này gọi là “lạm phát thu nhỏ” (shrinkflation). Một thuật ngữ kết hợp của “lạm phát” (inflation) và “thu giảm” (shrink).
Với cách thức này, bề ngoài thì có vẻ các nhãn hàng không tăng giá nhưng thực chất người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn. Thành thử, cả các nhà chức trách lẫn các nhà bán lẻ châu Âu đều coi đây là 1 hình thức “lừa dối khách hàng”.
Hồi tháng 9 vừa qua, Carrefour đã đưa ra lời “cảnh cáo” với các nhãn hàng dùng “lạm phát thu nhỏ”. Với các sản phẩm như vậy, khi bày trên kệ siêu thị, Carrefour đã dán luôn 1 bảng cảnh báo cho khách hàng rằng “Sản phẩm này đã bị giảm kích thước hoặc trọng lượng, tức là giá thực tế đã bị tăng”.
Các chính phủ cũng đồng quan điểm về “lạm phát thu nhỏ”. Các nhà chức trách Đức và Pháp cũng đã công khai tuyên bố không hoan nghênh các nhãn hàng dùng chiêu thức này. Theo quan điểm của họ, “lạm phát thu nhỏ” không chỉ là lừa dối người tiêu dùng, mà còn là hành động không thân thiện với môi trường, hay gay gắt hơn là “hành động cực kỳ phản cảm”.
Sau khi “cảnh báo” bằng dán nhãn không ăn thua thì bây giờ Carrefour bắt đầu hành động thực tế, không bán một số sản phẩm mà họ cho là dùng “lạm phát thu nhỏ” trong các siêu thị của mình.
Trên quan điểm của một số nhà kinh tế học thì hành động này “không có lợi”. Ông James Walton, kinh tế trưởng của Học viện Phân phối hàng tiêu dùng (Institute of Grocery Distribution) nói: “Chẳng ai được lợi khi người tiêu dùng muốn mua hàng mà hàng lại không có trên kệ”.
Tuy nhiên, hành động như kiểu Carrefour lại đang được các chính phủ châu Âu ủng hộ. Họ đang cùng nhau gây sức ép bắt các nhãn hàng phải giảm giá trong bối cảnh lạm phát hiện tại.
Carrefour cũng sẽ rất nhanh có bạn đồng hành trong cuộc chiến này. Đối thủ cạnh tranh của Carrefour tại Bỉ, siêu thị Colruyt cũng sẽ ngừng nhập hàng của một ông lớn ngành thực phẩm vì lí do tương tự.
Quân Bảo