antd-vn-mang-xa-hoi-6005

Theo dự thảo mới, YouTube, Facebook cùng các nền tảng xuyên biên giới khác đều cần có bộ phận xử lý khiếu nại tại Việt Nam

Cụ thể, trong dự thảo được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) trình Chính phủ lấy ý kiến để sửa đổi các nghị định về quản lý dịch vụ Internet đã đề xuất bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam điển hình như Facebook, YouTube.

Theo đó, tại điều 17, nhằm bổ sung cho điều 22, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cung cấp thông tin xuyên biên giới có nêu, các mạng xã hội này cần phải có bộ phận chuyên trách để tiếp nhận, xử lý và phản hồi yêu cầu của cơ quan chức năng, cũng như giải quyết và phản hồi khiếu nại của người dung tại Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Nếu khiếu nại chính đáng, phải ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

Quy định cũng nêu rõ thời gian tạm khóa từ 7-30 ngày với các tài khoản thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật. Nếu có yêu cầu từ Bộ TT&TT, doanh nghiệp viễn thông cần triển khai biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn việc truy cập nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong vòng 3 giờ.

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội này cũng phải tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng yêu cầu các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.

Các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập thường xuyên một tháng phải thông báo hoặc xác nhận thông báo hoạt động với Bộ và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình. Theo đó, các mạng xã hội xuyên biên giới chỉ được cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ mới được cung cấp dịch vụ livestream và các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

mxh-1625904714-3632-1625904759

Các mạng xã hội xuyên biên giới đang có mức ảnh hưởng và độ phổ biến lớn tại Việt Nam

Trên thực tế, đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội đang hoạt động được vận hành bởi các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Twitter… được cung cấp xuyên biên giới thì vẫn có mức ảnh hưởng và độ phổ biến lớn hơn mạng xã hội trong nước.

Mặc dù vậy, các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh.

Do đó, việc đề xuất sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên và bắt kịp xu thế phát triển của Internet và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng.

Có thể thấy, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách siết chặt kiểm soát đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, Youtube… Đối mặt với hành động pháp lý, Google, Facebook cũng như các nền tảng truyền thông xã hội khác đã phải tuân thủ những quy định mới về công nghệ do Chính phủ các nước đưa ra.

Theo các chuyên gia cho rằng, xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để phát triển minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được nhưng không nên kìm hãm. Tuy nhiên, trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Tiktok… ngày càng tạo ra nhiều sức ảnh hưởng song lại có quá ít trách nhiệm với cộng đồng, thì vai trò thắt chặt kiểm soát của các chính phủ là cần thiết.

Cẩm Anh