Sự nổi lên của TikTok Shop trong thời gian gần đây cho thấy một xu hướng mua sắm kết hợp với giải trí, shoppertainment, dường như đang rất thịnh hành tại Việt Nam.
Mới đây, theo một báo cáo người tiêu dùng số Q1/2023 (Connected Consumer) vừa được công bố cuối tháng 5 bởi Decision Lab và Mobile Marketing Việt Nam (MMA) cho thấy, trong quý này tất cả những người chơi lớn trong thương mại điện tử tại Việt Nam đều chứng kiến mức sử dụng bị sụt giảm.
Theo đó, tỷ lệ thâm nhập của Shopee và Lazada lần lượt giảm 2% và 3%. Mức độ ưa chuộng của Shopee đối với khách hàng thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z cũng đều sụt giảm ở mức 5%.
Trong bối cảnh đó, TikTok Shop lại là một điểm sáng trong lĩnh vực thương mại điện tử khi vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ sử dụng của nền tảng này vẫn đều đặn tăng 5% hàng quý kể từ khi ra mắt tại Việt Nam. Mức độ yêu thích dành cho TikTok Shop cũng ngày được gia tăng, đặc biệt ở thế hệ Gen Z.
Có thể nói, sự tăng trưởng này là minh chứng cho sự thành công của cách tiếp cận độc đáo của TikTok đối với thương mại điện tử và xu hướng mới đang lan rộng trong lĩnh vực này, “shoppertainment – mua sắm kết hợp với giải trí”.
Ưu thế của Shoppertainment
Trên thực tế, Shoppertainment là một khái niệm kết hợp giữa mua sắm và giải trí. Nó liên quan đến việc sử dụng luồng trực tiếp, trình diễn sản phẩm và nội dung khác để thu hút sự chú ý của người mua sắm và làm cho việc mua sắm trở nên thú vị và nhiều tương tác.
Shoppertainment cũng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và giữ chân khách hàng bằng cách khiến họ trung thành với thương hiệu. Video mua sắm trực tiếp là một cách thú vị để các thương hiệu khám phá những gì khách hàng của họ muốn và khiến họ quan tâm. Do đó, khách hàng có nhiều khả năng sẽ thêm hàng vào giỏ hàng của họ nếu họ có thể nói chuyện với người khác trong khi mua sắm.
Theo các chuyên gia phân tích, đại dịch COVID-19 đã không chỉ khuyến khích sự mở rộng nhanh chóng của thương mại điện tử mà còn khuyến khích sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng từ mua hàng tại cửa hàng sang mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, giờ đây thay vì chỉ mua hàng, người tiêu dùng còn thích tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, kích thích.
Gần đây, việc sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo để bán sản phẩm trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn thay vì chỉ bán trên các trang thương mại điện tử riêng lẻ.
Theo báo cáo từ RetailAsia, Shoppertainment đã trở thành xu hướng mua sắm ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Báo cáo từ tạp chí này cũng cho biết, khoảng 82% người mua sắm muốn khám phá các thương hiệu mới hoặc thương hiệu khác để mua hàng trực tuyến thông qua các video ngắn và 55% thực hiện giao dịch mua bất ngờ dựa trên các video này, mặc dù có trong tay danh sách mua sắm.
Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam cũng chứng minh rằng số lượng cá nhân xem quảng cáo đọc bình luận và đọc đánh giá trên trang web là một yếu tố khiến người tiêu dùng chọn các trang web hoặc ứng dụng Google AdWords để mua hàng trực tuyến, mạng chiếm lần lượt 29% và 41% người mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo Google Trend Việt Nam cho thấy, việc sử dụng người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu hay “đốt tiền” vào mã giảm giá để giữ chân khách hàng không phải là chiến lược bền vững của các thương hiệu. Bằng cách sử dụng shoppertainment, một nền tảng giải trí kết hợp mua sắm, các thương hiệu có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người tiêu dùng, làm mờ ranh giới giữa bán hàng, giải trí và cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng thông qua các trải nghiệm tương tác phong phú như phát trực tiếp, ảnh, video và trò chơi điện tử.
Rõ ràng, khi truyền thông điện tử là xu hướng phát triển tất yếu của thương mại điện tử, có thể thấy shoppertainment đã trở thành xu hướng mua sắm thịnh hành ở Việt Nam. Bởi nó không chỉ giúp việc mua hàng trực tuyến của khách hàng thuận tiện hơn mà còn giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Nguyễn Chuẩn