CTCK Yuanta VN cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.490 – 1.500 điểm. Đồng thời, dòng tiền suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại.
Phiên giao dịch cuối tuần trước cho thấy thị trường sau phiên biến động mạnh liền trước đã đi ngang và biến động hẹp. Chỉ số VN-Index đóng cửa hầu như không thay đổi trong khi HNX-Index tăng 1,31%, UPCoM-Index giảm 0,4%. Giá trị giao dịch khớp lệnh sụt giảm so với phiên liền trước khi đạt 25.294 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Nhóm vốn hoá lớn có diễn biến phân hoá với VN30-Index ghi nhận 14 mã tăng và 12 mã giảm. VCB (+1,8%), VNM (+1,8%), VRE (+1,8%), STB (+2%), POW (+4,7%), PDR (+1,4%), PLX (+1,5%) ghi tên mình ở chiều tăng điểm. Ngược lại, HPG (-1%), NVL (-1,8%), MWG (-1,1%), TCB (-1,5%), VPB (-1,1%) có sự điều chỉnh nhẹ.
Về nhóm ngành, nhóm Ô tô-Phụ Tùng, Điện tử và Thiết bị điện là 2 nhóm ngành tăng mạnh nhất thị trường với các cái tên như HAX (+3,2%), GEX (+3,3%)…
Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.490 – 1.500 điểm. Đồng thời, dòng tiền suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu chững lại đà giảm và có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ở 1-2 phiên giao dịch đầu tuần tới.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 30 – 35% danh mục tại các nhịp hồi phục và chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại.
Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn có dấu hiệu tăng dần cho thấy các nhà đầu tư trung hạn nên thận trọng ở tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index chưa thể vượt được mức kháng cự 1.534 điểm. Đồng thời, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và theo dõi ở tuần giao dịch tới”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.
Trong khi đó, CTCK MB (MBS) cho rằng, thị trường dần ổn định hơn sau những phiên biến động mạnh liên tiếp, trong đó nhóm bất động sản là tâm điểm khi nhiều mã đã thoát được giá sàn, thậm chí hồi phục tích cực. Tuy vậy, độ rộng thị trường phản ánh áp lực bán diễn ra trên diện rộng, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn bị chốt lời mạnh. Về mặt kỹ thuật, VN-Index test thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh tại đường MA 50 ngày và trendline tăng dài hạn (tương đương vùng 1.470-1.480 điểm). Đây vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện.
Bên cạnh đó, về kỹ thuật, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết, những phản ứng tích cực quanh vùng hỗ trợ gần 1.485 điểm cùng với sự tiết giảm của bên bán đã giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang tích luỹ với biên độ thắt chặt dần trong những phiên tới trước khi xu hướng trở nên rõ ràng hơn. “Trong nhịp đi ngang này, nhà đầu tư được khuyến nghị cân bằng lại tỷ trọng danh mục, chỉ mua đối với các mã cổ phiếu mục tiêu về lại vùng hỗ trợ mạnh”.
CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng VN-Index tiếp tục được hỗ trợ và trở lại trạng thái thăm dò. Nhìn chung thị trường vẫn còn thận trọng trước ảnh hưởng của nhịp sụt giảm gần đây, tuy nhiên tạm thời áp lực bán đã hạ nhiệt, thể hiện qua thanh khoản sụt giảm so với các phiên trước. Có khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi phục để kiểm tra lại vùng 1.500 – 1.510 điểm đối với VN-Index và vùng 1.530 – 1.540 điểm đối với VN30 Index. Hiện tại, yếu tố phân hóa vẫn đang diễn ra khá mạnh trên thị trường. “Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục nhưng tạm thời vẫn nên cẩn trọng trước các yếu tố rủi ro và bất ổn của thị trường, đồng thời tiếp tục theo dõi và đánh giá lại trạng thái của thị trường”, chuyên gia VDSC khuyến nghị.
Nguyễn Long