Giá vàng bật tăng nhẹ sát ngày vía Thần Tài dường như đang phản ánh đúng quan hệ cung – cầu với sức mua thường tăng đột biến.
Theo thường lệ, giá vàng trong ngày vía Thần tài sẽ tăng cao. Năm nay, ngày vía Thần tài rơi vào Chủ nhật (ngày 21/2) là ngày cuối tuần, mặt khác lại do dịch bệnh nên người mua vàng “lấy vía” đầu năm cầu tài lộc dường như đã chọn mua sớm hơn.
Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng 20/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào 55,75 – 56,40 triệu đồng/lượng (mua vào -bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch hôm qua. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 650.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán, niêm yết giá vàng SJC ở 55,85 – 56,33 triệu đồng/lượng. Giá vàng 9999, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tăng mạnh hơn do nhu cầu mua cao, hiện giao dịch tại mức 54,40 – 55,10 triệu đồng/lượng, tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại hệ thống DOJI, giá vàng ở hướng mua giảm 150.000 đồng/lượng nhưng tăng 100.000 đồng/lượng ở hướng bán ra.
Trong khi đó, hệ thống PNJ giữ nguyên giá vàng miếng SJC ở hướng mua nhưng điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng so với phiên chiều ngày 19/2.
Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 56,75 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 56,50 triệu đồng/lượng.
Các loại vàng nữ trang khác đảo chiều tăng theo xu hướng thị trường. Theo đó, giá vàng 24K tăng 150.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 110.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 90.000 đồng/lượng ở cả hai hướng mua bán so với phiên trước đó.
Như vậy, tính hết tuần, giá vàng đã giảm 2,9%, nhưng vào sát ngày vía Thần Tài, giá vàng đã đảo chiều bật tăng nhẹ. Giới chuyên gia giải thích rằng, thị trường vàng trong nước đang phản ánh đúng quan hệ cung-cầu. Ngày vía Thần Tài sắp đến, sức mua thường tăng đột biến, hiện tại nhu cầu vàng vật chất trong nước đang lớn hơn nhiều so với nguồn cung.
Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch còn chưa được nối lại do cơ quan chức năng phải thực thi chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định thị trường vàng nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung, đặc biệt là thực hiện yêu cầu tiết kiệm nguồn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối và ổn định chính sách tỷ giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước quá cao so với vàng thế giới.
Quy đổi theo tỷ giá USD của NHNN, giá vàng thế giới đang ở mức gần 49,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng bán vàng SJC ở thời điểm hiện tại khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, nhìn chung giống như mọi năm, vào khoảng thời gian từ khi bắt đầu đi làm lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và đến ngày Thần Tài, nhu cầu mua vàng cầu may của người dân tăng cao, không khí giao dịch sôi động hơn so với thường ngày.
“Mặc dù Tết Nguyên Đán và ngày Thần Tài năm nay rơi vào đúng thời điểm dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp song theo ghi nhận từ các Trung tâm VBTS của DOJI, lượng khách đến giao dịch không hề giảm so với những năm trước. Khách đến mua vàng DOJI tại các Trung tâm ở Hà Nội và TP HCM tăng cao vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch – ngày đầu tiên đi làm. Đến ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng, lượng giao dịch giảm hơn, do tâm lý muốn đợi đến gần ngày Thần Tài mới mua vàng để được may mắn. Dự kiến, ngày mùng 9 và mùng 10 lượng giao dịch sẽ tiếp tục tăng cao và nhiều khả năng sẽ không giảm so với những năm trước”, đại diện DOJI nói.
Ngoài ra, Tập đoàn này cũng cho biết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho khách hàng trong mùa cao điểm mua sắm ngày Thần Tài, DOJI đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Đo nhiệt độ cho khách hàng trước khi tiến vào không gian mua sắm; Mời khách hàng rửa tay sát khuẩn khi đến cửa hàng; Mời khách hàng luôn mang khẩu trang và nhân viên DOJI cũng luôn tuân thủ mang khẩu trang khi giao tiếp với khách hàng. Riêng các Trung tâm, cửa hàng của DOJI trong vùng dịch sẽ có khẩu trang ngăn giọt bắn; Quầy kệ trưng bày và tủ kính – những bề mặt khách hàng có thể tiếp xúc sẽ được thường xuyên vệ sinh sát khuẩn; Khi thanh toán tại quầy, khách hàng thực hiện giãn cách theo khoảng cách an toàn, tránh chen lấn. Khách hàng cũng ý thức đầy đủ về các yêu cầu phòng chống dịch nên vô cùng tuân thủ yêu cầu phía hệ thống vàng bạc đá quý đưa ra.
Ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp cho thấy ở hầu hết các hệ thống cửa hàng vàng của các thương hiệu khác, đều khá tuân thủ và thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho khách hàng, nhân viên.
Bên cạnh đó, một số khách hàng cũng đã quen thuộc với hệ thống mua bán vàng điện tử. Theo đó, đại diện DOJI cũng chia sẻ khách đến giao dịch tại các Trung tâm của DOJI chủ yếu là mua sản phẩm Đồng vàng Kim Ngưu Phát Lộc và Kim Ngưu Chiêu Tài. Đây là hai sản phẩm mới của DOJI với hình tượng chính là Kim Ngưu – Trâu vàng để chào đón ngày Thần Tài. Ngoài ra, vàng ép vỉ Âu Vàng Phúc Long mà DOJI ra mắt vào cuối năm 2019 cũng được đông đảo khách hàng đón nhận bởi giá trị tích trữ, đầu tư tương đương vàng SJC. Riêng lượng giao dịch trên hệ thống eGold tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong quan niệm dân gian, vàng từ xưa đến nay luôn là biểu tượng của giàu sang, phú quý và sự may mắn. Chính vì vậy, niềm tin mua vàng trong ngày vía Thần Tài như một dịp “đổi vía” đầu năm mới, với hy vọng sẽ gặp may, phát tài phát lộc, cả năm làm ăn thuận lợi. Đồng thời, mua vàng cũng là vật bảo chứng, tích luỹ với tâm lý của nhiều người vẫn luôn coi vàng là một kênh giữ tiền an toàn. Vì vậy lượng giao dịch vàng và nhu cầu của người dân tăng mạnh sát những ngày Thần tài được xem là bình thường. Song các chuyên gia vẫn cảnh báo, nên cẩn trọng khi mua vàng ở thời điểm hiện tại, bởi giá vàng trong nước có thể hạ nhiệt tương đối nhanh để trở về trạng thái cân bằng hơn, trong khi giá vàng quốc tế đang biến động tiêu cực. Đặc biệt, sau ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước cũng có thể lắng xuống. Ai lướt sóng thời điểm này sẽ có rủi ro rất cao.
Diễm Ngọc – Lê Hà