Moderna, công ty sinh học có trụ sở tại Mỹ cho biết, đã gửi lô vắc xin phòng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh COVID-19 đầu tiên tới Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ.
Việc thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được bắt đầu vào tháng 4. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng hai liều vắc xin mRNA-1273 lên 25 tình nguyện viên nam và nữ từ 18 tới 55 tuổi có sức khỏe tốt, không mang thai.
Họ sẽ lần lượt được tiêm vào ngày 1 và ngày thứ 29 để xem thử nó có giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi liên tục trong 12 tháng kể từ ngày tiêm chủng thứ hai. Đây là giai đoạn 1 trong quá trình sản xuất và tung vắc xin ra thị trường, theo trang Clinictrials.gov của Chính phủ Mỹ.
Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) Anthony Fauci cho biết có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt vắc xin nếu thành công trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, kể cả khi được tiến hành ở “tốc độ khẩn cấp”, việc xin giấy phép cho mRNA-1273 có thể mất tới 1 năm, thậm chí 1 năm rưỡi, ông Fauci nói với Đài CNN.
Loại vắc xin mới được chế tạo trong thời gian kỷ lục 42 ngày do dựa trên phương pháp gen mới không cần phải nuôi cấy một lượng lớn virus. Thay vào đó, vắc xin được tạo ra từ mRNA, một vật liệu gen từ DNA có khả năng tạo ra protein. Moderna Therapeutics đã đưa vào vắcxin mới những mRNA được mã hóa cho protein của virus corona chủng mới.
Sau khi vắcxin được tiêm vào cơ thể, các tế bào miễn dịch trong hạch bạch huyết sẽ xử lý mRNA và bắt đầu tạo ra protein giúp các tế bào miễn dịch khác nhận diện virus để tiêu diệt.
Có thể thấy, cuộc đua điều chế vắc xin chống SARS-CoV-2 đã được các quốc gia tiến hành ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Cập nhật sáng ngày 27/2, thế giới ghi nhận 82.147 người mắc, 2.800 người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra), trong đó, Lục địa Trung Quốc: 2.744 người tử vong.
Trước đó, Đại học Thiên Tân của Trung Quốc ngày 25/2 tuyên bố đã chế ra được loại văcxin uống phòng SARS-CoV-2. Huang Jinhai, giáo sư dẫn dắt nghiên cứu, cho biết đã uống 4 liều và chưa gặp tác dụng phụ nào.
“Vắc xin phòng bệnh thường được tiêm. Sản phẩm của ông Huang có thể là vắc xin trị liệu, giống như một loại thuốc điều trị. Nhưng điều chúng tôi cần là vắc xin phòng bệnh để bảo vệ người khỏe mạnh khỏi virus”, Yang Zhanqiu, Phó khoa mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu.