Thời gian vừa qua có nhiều vụ xuất hàng số lượng lớn, do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét việc xuất khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang qua biên giới.
Sáng nay 25/2, Bộ Y tế họp trực tuyến với 700 điểm cầu toàn quốc để triển khai công tác chống dịch bệnh COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra).
Cập nhật sáng ngày 25/2, thế giới ghi nhận 80.147 người mắc, 2.699 người tử vong, trong đó, Lục địa Trung Quốc có 2.663 người tử vong. Tại Việt Nam, 16/16 trường hợp người mắc bệnh COVID-19 đã được chữa khỏi.
Có tình trạng thu gom thiết bị y tế và thuốc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết cơ quan chức năng đã đồng thuận giảm thuế nguyên phụ liệu sản xuất hàng phục vụ chống dịch, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết báo cáo của Cục Quản lý dược cho biết có tình trạng thu gom kháng sinh thuốc phòng chống dịch.
“Hoạt động phòng chống dịch đang thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ, như nhân lực tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, cơ sở y tế tại chỗ, hiện các điều kiện này đều đáp ứng được”, Thứ trưởng Cương Quốc Cường nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UNND tỉnh Cao Bằng cho biết, cần xem xét việc xuất khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang qua biên giới. Theo đó, thời gian vừa qua có nhiều vụ xuất hàng số lượng lớn.
“Nếu xuất khẩu số lượng quá lớn trong khi trong nước không có hàng thì phải xem lại”, Phó Chủ tịch UNND tỉnh Cao Bằng nói.
Đồng thời cho biết, tại Cao Bằng, thời gian qua đã có xấp xỉ 1.400 người từ Trung Quốc về nước qua các đường mòn lối mở của Cao Bằng, từ ngày 13/2 tỉnh này đã quá tải khu cách ly, từ ngày 14 đến 21/2, tỉnh đã chuyển hơn 500 người về tuyến sau cách ly.
Ứng phó tốt với trường hợp 3.000 bệnh nhân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói có sự so sánh Việt Nam với nước khác, cho rằng Việt Nam đã làm tốt hơn.
“Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam vẫn thận trọng và đã tính đến kịch bản 5 bước, trong đó khẳng định Việt Nam có thể ứng phó tốt khi có 3.000 bệnh nhân. Nếu dịch xảy ra ngay trong Tết Nguyên đán vẫn sẵn sàng ứng phó.
Với những kinh nghiệm đã có, phương châm của Việt Nam là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để, như dập đống lửa để không còn gì âm ỉ.
Hôm nay là sang ngày thứ 13 phong tỏa xã Sơn Lôi, vùng tâm dịch và đã qua ngày thứ 10 không ghi nhận bệnh nhân mới, đã triển khai tất cả các biện pháp mạnh. Dù tình hình có thay đổi, như ở Hàn Quốc, Ý, Iran, nhưng 5 phương châm kể trên không thay đổi.
Bộ Y tế vừa cho hay hiện nay, nước ta đã có khoảng 30 cơ sở có thể xét nghiệm COVID-19. Theo công bố của Bộ Y tế, các cơ sở có đủ điều kiện tiến hành xét nghiệm COVID-19 gồm: – Các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur TP.HCM; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Sốt rét -Ký sinh trùng – Côn Trùng Trung ương. – Các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai. – Các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế. – Một số đơn vị khác: Viện Thú y; Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương, 6 Chi cục thú y vùng. |