Để tránh tụ tập đông người, hạn chế lây lan trong mùa dịch COVID-19, BHXH Việt Nam chi trả gộp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tháng 4, 5/2020 qua hệ thống bưu điện.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Công văn số 1020/BHXH-TCKT gửi tới Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bổ sung nội dung thực hiện chi trả BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tháng 4, 5/2020 qua hệ thống bưu điện trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.
Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, tiếp theo Công văn số 972/BHXH-TCKT ngày 25/3/2020 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng qua hệ thống bưu điện trong thời gian phòng, chống dịch COVID, BHXH Việt Nam hướng dẫn bổ sung việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN tháng 4 và tháng 5/2020.
Cụ thể như sau: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020 vào cùng một kỳ chi trả; Cơ quan bưu điện xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn, không được tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về thời gian chi trả, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, thống nhất với Bưu điện tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phương án tổ chức chi trả, thời gian chi trả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm an toàn cho người hưởng theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, xong trước ngày 31/5/2020.
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương đảm bảo trước ngày 31/5, thực hiện chi trả xong lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4-5/2020.
Trước đó, vào chiều ngày 31/3, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu.
Theo đó, Thủ tướng cũng cho ý kiến về các mức hỗ trợ trực tiếp, thời gian hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, người lao động tự do, không có việc làm… với tổng số tiền ước tính ban đầu khoảng 28 – 30 nghìn tỷ đồng, cả ngân sách Trung ương và địa phương.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng – Trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, chủ trương hình thành một gói hỗ trợ an sinh xã hội rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hàng chục ngàn lao động mất việc. Cách hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng theo ông Thắng, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ khủng hoảng trước đây như hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, từ khi có chính sách hỗ trợ cả năm sau người dân mới nhận được. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì cách làm phải rút ngắn lại để người lao động bị ảnh hưởng có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương để ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp góp phần phòng chống dịch Covid-19 như hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra…
Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chuẩn bị nguồn kinh phí, lượng thuốc men, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm virus Covid-19.
An Chi