Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực dịch vụ chiếm 68,7% số doanh nghiệp toàn quốc, tăng 7,3% so với cùng thời điểm năm 2017. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 184.531 doanh nghiệp, chiếm 30,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 6.844 doanh nghiệp, chiếm 1,1%.

Sáng ngày 28/4, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức họp báo công bố sách trắng hợp tác xã và sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020.

62,6% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có 2.260 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chiếm 0,4%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 9,2%. Khu vực doanh nghiệp FDI có 16.878 doanh nghiệp, chiếm khoảng 2,7% số doanh nghiệp cả nước, tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2017.

Theo quy mô doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại thời điểm 31/12/2018 có 382.444 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, chiếm 62,6% số doanh nghiệp cả nước, tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm 2017.

Đáng lưu ý, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 23,64 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017.

Theo khu vực kinh tế, doanh thu thuần khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng năm 2018 đạt 11,92 triệu tỷ đồng, chiếm 50,4% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14,0% so với năm 2017.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp dịch vụ đạt 11,58 triệu tỷ đồng, chiếm 49,0%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 134,5 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6%.

Theo loại hình doanh nghiệp, Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2018 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 13,41 triệu tỷ đồng, chiếm 56,7% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14,3% so với năm 2017.

Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 6,81 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8%, tăng 17,5%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,41 triệu tỷ đồng, chiếm 14,4%.

Nợ bình quân gấp 2,1 lần vốn tự có

Cũng theo số liệu mà sách công bố, chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2018 là 2,1 lần. Nói cách khác, tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2018 gấp 2,1 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.

” Tính đến thời điểm 31/12/2018, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có 2.260 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 9,1% so với thời điểm 31/12/2017. 

Cụ thể, nếu thống kê theo khu vực kinh tế, năm 2018, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 2,6 lần. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng với 1,5 lần. Trong đó, thấp nhất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,6 lần.

Đáng chú ý nếu thống kê theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số nợ là 3,4 lần.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,9 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,7 lần.

Xét theo loại hình này năm 2017, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số nợ là 4,1 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 2,3 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,6 lần.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp khu vực doanh nghiệp Nhà nước “dẫn đầu” về chỉ số nợ so với vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.