Trước yêu cầu cập nhật thông tin hành chính sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa (SGK) để đảm bảo tính thực tiễn, đồng thời hạn chế tối đa sự xáo trộn trong quá trình dạy và học.
Điều chỉnh nhưng không làm xáo trộn
Năm 2025, ngành giáo dục bước vào giai đoạn điều chỉnh chương trình và SGK phổ thông trong bối cảnh cả nước triển khai Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ sự thay đổi này gồm: Lịch sử và Địa lí lớp 4, 5, 9; Địa lí lớp 12; Lịch sử và Giáo dục kinh tế – pháp luật lớp 10.
Các nội dung sẽ được cập nhật gồm: địa danh, bản đồ, số liệu, biểu đồ và thông tin kinh tế – xã hội liên quan đến các địa phương mới. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng là hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi SGK, tập trung hướng dẫn giáo viên và nhà trường chủ động điều chỉnh chương trình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Điều chỉnh sách giáo khoa phù hợp với thực tế sáp nhập tỉnh, thành.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn là nền tảng định hướng thống nhất, đảm bảo nội dung cốt lõi và bắt buộc đối với học sinh cả nước. SGK hiện hành tiếp tục được sử dụng trong năm học 2025–2026, đồng thời giáo viên có trách nhiệm chủ động lựa chọn, điều chỉnh nội dung giảng dạy, bài học, chủ đề để phù hợp với địa phương và mô hình tổ chức chính quyền hai cấp.
Gấp rút rà soát và chuẩn bị cho điều chỉnh
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương hoàn tất quá trình rà soát và đánh giá chương trình giáo dục phổ thông nhằm cập nhật, điều chỉnh một số môn học, bảo đảm chương trình thích ứng linh hoạt với sự thay đổi về hành chính – xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo từng giai đoạn.
Đối với nội dung giáo dục địa phương, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào chương trình khung và hướng dẫn của Bộ để chủ động xây dựng nội dung phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính mới. Việc phát huy vai trò chủ động của địa phương trong triển khai chương trình là một điểm nhấn, đảm bảo giáo dục gắn với thực tiễn địa phương sau sáp nhập.
Về phía các đơn vị xuất bản, đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để rà soát toàn bộ nội dung có liên quan trong SGK. Quá trình chỉnh sửa sẽ bám sát các yêu cầu đạt được của chương trình học, đặc biệt là các thông tin về địa danh, số liệu, bản đồ, thông tin kinh tế xã hội… chịu ảnh hưởng bởi việc thay đổi địa giới hành chính.
Ông Tùng nhấn mạnh, quá trình sửa chữa sẽ giữ nguyên phương pháp và định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tránh làm thay đổi căn bản nội dung giảng dạy, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng SGK theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tính hiện đại và chuẩn mực khoa học.
Ngoài ra, Nhà xuất bản cũng cam kết tích cực hỗ trợ các trường và giáo viên trong quá trình sử dụng SGK hiện hành, đồng thời sẽ triển khai cập nhật nội dung sách theo đúng quy trình và chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT.
Đảm bảo tính liên tục và phù hợp thực tiễn
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và cơ sở giáo dục, đảm bảo quá trình triển khai chương trình và SGK được liên tục, không gián đoạn, đồng thời sát với tình hình thực tế tại các đơn vị hành chính mới.
Việc điều chỉnh lần này là một bước cần thiết nhưng được thực hiện theo hướng thận trọng, hợp lý, để đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời thích ứng linh hoạt với những thay đổi lớn về mặt hành chính – xã hội đang diễn ra trên cả nước.
Đỗ Khuyến