Tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào các nước Châu Âu hiện còn rất hạn chế (Ảnh minh hoạ)

Hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như hàng mây tre đan, sơn mài… Tuy nhiên, tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào các nước Châu Âu hiện còn rất hạn chế, mới có khoảng 8% vào nước Đức, 7% vào Pháp…. Bởi vậy tiềm năng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ vào thị trường Châu Âu là vô cùng lớn.

Ông Trần Quang Lập, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội cho biết, các đơn hàng nhập khẩu của Châu Âu thường khá lớn, kéo theo các khoản chi phí kinh doanh rất cao. Trong khi đó, đa số các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn nhỏ lẻ, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng có số lượng lớn và đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh.

Bên cạnh đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có mẫu mã chưa phong phú, chủ yếu vẫn dựa vào mẫu mã của người mua hoặc mẫu mã truyền thống có sẵn…

” Khi sản xuất TCMN, doanh nghiệp cần nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các nước Châu Âu để lồng ghép vào sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu thủ công mỹ nghệ vào thị trường Châu Âu, các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau đối với những đơn hàng xuất khẩu lớn để tránh áp lực về vốn và nhân lực. Ngoài ra, khi sản xuất mặt hàng này, doanh nghiệp cần nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các nước Châu Âu để lồng ghép vào sản phẩm, chứ không thể áp đặt những giá trị văn hóa của mình trên sản phẩm bán cho người Châu Âu.

Đối với các mặt hàng làm từ mây, tre, hàng thêu…, thì các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, trừ khi tạo ra được các mặt hàng có mẫu mã tinh xảo, và được tiêu thụ qua kênh phân phối riêng. Tuy nhiên, Trung Quốc không xuất khẩu nhiều mặt hàng sơn mài, nên đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu.