Tư duy chính sách xanh lệ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô, từ đó tạo ra hành vi ở vi mô, giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn xanh với lãi suất rẻ hơn, các ngân hàng sẵn sàng cho vay dài hơn.
Dòng tài chính xanh còn chảy chậm
Tài chính xanh là một khái niệm bao trùm từ vốn đầu tư, dòng tiền, tín dụng cung ứng cho các dịch vụ đến các công cụ chính sách để hỗ trợ sự vận động trong nền kinh tế hướng đến toàn bộ câu chuyện xanh. Vì thế, vai trò của tài chính xanh rất quan trọng, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.
Trong 17 năm qua, chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam đạt khoảng 6,9%. Tất cả dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp, người dân, của đầu tư công vẫn chưa đủ, mà cần có thêm dòng tài chính từ bên ngoài, đặc biệt là tài chính xanh góp phần vào thì mới giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì ở tốc độ như chúng ta mong muốn (bình quân khoản trên 6,5%/năm).
Theo quan sát của tôi, nguồn tài chính xanh hiện đang “ngấp nghé” ở cửa biên giới Việt Nam trong khi các doanh nghiệp Việt rất khát vốn. Ngoài câu chuyện doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu xanh theo các chuẩn mực, thông lệ của ASEAN hoặc vay tín dụng xanh thì còn kêu gọi từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư. Được biết, quỹ ESG của Mỹ trong khoảng 5 năm từ 2015-2020 đã tăng trưởng khoảng 4 lần về số lượng quỹ. Giới đầu tư cũng chứng minh rằng, đầu tư qua câu chuyện phát triển bền vững, phát triển xanh thì lợi nhuận thu về sẽ rất ổn định. Đó cũng chính là động lực hun đúc các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến câu chuyện này.
Tại thị trường Việt Nam đến nay tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4%, nhưng quan trọng nhất là có rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như VinFast, VPBank (theo tính toán của chúng tôi là khoảng hơn 20.000 tỷ đồng) hay Masan phát hành trái phiếu xanh ra quốc tế và đã thu hút được đáng kể dòng tiền giá rẻ.
Một điều đáng chú ý là dòng tài chính xanh sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng xanh, lối sống xanh. Nếu chúng ta có những chính sách như giảm thuế VAT cho các sản phẩm xanh, từ đó sẽ hấp dẫn người tiêu dùng xanh và xã hội được hưởng cuộc sống lành mạnh hơn, phù hợp với túi tiền của người dân.
Vừa qua, có hai thành phố phát hành trái phiếu xanh thí điểm là TP HCM với con số 1.500 tỷ đồng đầu tư vào các công trình hạ tầng về xử lý rác thải, môi trường và 500 tỷ đồng là của Vũng Tàu. Đây là một chính sách mang tính khuyến khích, không tính vào tổng nợ công của địa phương để họ có thể mở rộng dư địa cho phát triển xanh.
Cần tạo điều kiện từ vĩ mô
Có một vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các dự án xanh thường gặp những thách thức lớn, như vay tín dụng ngân hàng thời hạn từ 5 – 7 năm thì lãi suất rất cao và khó có thể hoàn vốn. Họ luôn luôn lo sợ sẽ bị phá sản, nên trong ngành ngân hàng cũng có khái niệm “cho vay có trách nhiệm” để đánh giá các yếu tố về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị, ứng xử với lao động trong nội bộ,…
Thực tế có nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư có trách nhiệm và ngược lại, đồng nghĩa với việc họ đã có sự cảnh giác với văn hóa “tẩy xanh” (một số doanh nghiệp bề ngoài thể hiện đang xanh hóa sản xuất sản phẩm, nhưng chỉ là câu chuyện làm hình ảnh còn bản chất không phải sự thật). Đây là điều mà các nhà đầu tư, các ngân hàng nước ngoài hay kể cả doanh nghiệp, ngân hàng trong nước đều rất thận trọng và cần được cảnh báo. Chúng ta muốn đón dòng tài chính xanh thì phải tuân thủ những điều kiện tiêu chuẩn.
Về quy định của Nhà nước với phát hành trái phiếu xanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hành sổ tay trái phiếu xanh cho doanh nghiệp, trong đó có 4 tiêu chuẩn căn bản gồm: Doanh nghiệp minh bạch về tài chính; Có tư vấn độc lập đánh giá, chấm điểm là doanh nghiệp xanh có trách nhiệm xã hội; Khi nhận dòng vốn đầu tư sẽ phải báo cáo cập nhật cho nhà đầu tư theo dõi các hoạt động; và Các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp được đánh giá bởi một tổ chức kiểm toán.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để thuê các bên thứ ba đánh giá, tư vấn độc lập. Theo tôi cần phải kiến nghị các chính sách về tài khoá, hỗ trợ dòng tài chính cho doanh nghiệp trong câu chuyện này.
Thứ nhất, xây dựng định chế trung gian của Nhà nước làm đầu mối quốc gia, tương tự như của Indonesia. Bởi vì tất cả các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ phải thông qua một tổ chức chính thức, để họ chắc chắn rằng các doanh nghiệp đã được thẩm định và cơ quan đầu mối này sẵn sàng đứng ra bảo đảm để doanh nghiệp Việt có thể thu hút vốn.
Thứ hai, với lãi suất xanh, muốn cho vay rẻ thì cần có một quỹ tái cấp vốn xanh của Ngân hàng Nhà nước và hình thành cơ chế tiền gửi xanh, xây dựng thói quen cho người dân gửi tiền. Trong đó, điều chỉnh luật bảo hiểm tiền gửi cho những người đã gửi tiết kiệm xanh sẽ được chi trả 100%. Đồng thời, tất cả các gói tiết kiệm xanh thì không cần phải gửi dự trữ bắt buộc ở Ngân hàng Nhà nước để có giá vốn rẻ hơn…
Như vậy có thể thấy, tư duy chính sách xanh hay không lệ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô, từ đó tạo ra hành vi ở vi mô, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn xanh với lãi suất rẻ hơn mà các ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay dài hơn.
Khi nói đến xanh hoá nền kinh tế, chúng ta phải tập trung vào ba từ khóa: Một là, xanh về chính sách cho tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, thuế tiêu dùng, cùng đấu thầu chi tiêu xanh của Chính phủ.
Hai là, xanh trong phương thức sản xuất của tất cả các doanh nghiệp, đều phải hướng đến kinh tế tuần hoàn, sản xuất hữu cơ trong nông nghiệp, hoặc chuyển dịch năng lượng. Rất nhiều nhà đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không chứng minh được năng lực của mình khiến họ phải rời bỏ.
Ba là, lối sống và tiêu dùng xanh, tạo được nhu cầu cho nền kinh tế, khi đó doanh nghiệp mới mở rộng đầu ra cho các sản phẩm xanh của mình.
Phạm Xuân Hòe – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN)