Từ khi dịch viêm phổi cấp COVID-19 bùng phát, sự xuất hiện cũng những trợ tá robot tại các bệnh viện đã không còn hiếm gặp.
Nhân viên y tế đặc biệt
Trước hết, việc ứng dụng robot trong các cơ sở y tế đã được triển khai tại nhiều quốc gia như Nhật Bản từ lâu với nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, từ theo dõi sức khỏe, hỗ trợ thủ tục bệnh viện, hướng dẫn người bệnh…
Và đến khi dịch viêm phổi cấp virus corona (COVID-19) bùng phát từ đầu năm 2020, những nhân viên y tế đặc biệt này mới cho thấy sự hữu ích của mình, đặc biệt giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho y bác sĩ.
Khi mà đội ngũ y bác sĩ đang gặp nhiều áp lực, sự quá tải với việc chăm sóc và điều trị cho người nhiễm corona và người cách ly khá nhiều, robot có thể hỗ trợ phục vụ, thực hiện các công việc thủ công như khử khuẩn, đo thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp, cấp phát thuốc.
Mới đây nhất, Thái Lan đã ứng dụng robot Ninja để kiểm tra thân nhiệt, nói chuyện với bệnh nhân giúp bảo vệ các nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Các bệnh viện ở Thái Lan bắt đầu đưa vào sử dụng robot để hỗ trợ cho các nhân viên y tế trong cuộc chiến với virus corona, AFP đưa tin. Được gọi là “robot ninja”, ban đầu được chế tạo để theo dõi các bệnh nhân đột quỵ đang phục hồi.
Các phiên bản mới của robot sau này được thiết kế để mang thức ăn và thuốc cho bệnh nhân và cuối cùng có thể được sử dụng để khử trùng trong bệnh viện, ông Viboon cho biết thêm.
Hay như tại Trung Quốc, xuất phát điểm của COVID-19, để tiết kiệm thời gian lau chùi, khử trùng hằng ngày tại bệnh viện hãng TMIRob đã giới thiệu một robot có thể tiêu diệt mầm bệnh tại bệnh viện bằng cách phun Hydrogen Peroxide (Oxi già) và chiếu tia UV. Và để phát hiện sớm người nhiễm bệnh, một robot có thể đo thân nhiệt từ khoảng cách trên 5m do Startup Gosuncn phát triển đã được ứng dụng. Nó có chức năng báo cảnh sát khi phát hiện người dân không đeo khẩu trang hoặc có dấu hiệu của bệnh.
Y tá robot tại Việt Nam
Nắm bắt được tính cấp bách của việc ứng dụng robot, nhất là khi cả nước đang căng mình phòng chữa bệnh COVID-19, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cơ quan, tổ chức, trường đại học trên cả nước đã bắt tay nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm thành công nhiều mẫu robot có tính ứng dụng cao, chi phí thấp đưa vào hoạt động.
Như tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tự chế tạo thành công Robot “Tâm An” trong thời gian cấp bách, đã giúp ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế. Trong phạm vi 50m, robot có thể được điều khiển để vận chuyển nhanh chóng 50 – 60 kg thức ăn, thuốc men, vật dụng đến các phòng bệnh. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ của mình, nhân viên bệnh viện còn cho rằng âm thanh và sự đi lại thường xuyên của robot “Tâm An” khiến không khí chữa bệnh nơi đây trở nên vui vẻ hơn, giảm bớt tâm lý lo lắng của những người bệnh.
Bên cạnh đó, trong công tác khử khuẩn, mới đây Sở Y tế TP.HCM cho biết Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã phối hợp Bệnh viện Quân dân y miền Đông chuẩn bị thử nghiệm ”robot khử khuẩn phòng cách ly”. Nếu robot này được thử nghiệm thành công sẽ giúp công tác vệ sinh, khử khuẩn các phòng cách ly áp lực âm dành cho người bệnh dương tính và các phòng cách ly khác dành cho người bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Tại Đà Nẵng, đầu tuần này Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã chính thức bàn giao robot BK-AntiCovid để phục vụ ở khu vực cách ly của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Phục vụ tại khu vực cách ly của bệnh viện, robot BK-AntiCovid có thể thay thế nhân viên y tế để trực tiếp vào khu vực cách ly, mang theo vật dụng thiết yếu, đồ ăn, thuốc men hỗ trợ người bệnh với tải trọng lên đến gần 100 kg.
Đặc biệt, với hệ thống camera và loa ngoài kết nối với nhiều điện thoại, máy tính cùng một lúc, các y bác sĩ ở bên ngoài có thể di chuyển robot đến gần và trò chuyện trực tiếp với bệnh nhân, đáp ứng phần nào công tác thăm khám, theo dõi trong quá trình điều trị.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, các nhóm nghiên cứu của nhiều đại học, học viện, trường đại học trong cả nước đã vào cuộc và liên tiếp có những nghiên cứu quan trọng được công bố nhằm hỗ trợ hiệu quả trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Điều này không chỉ thể hiện năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội của họ đối với những vấn đề chung của đất nước và thế giới.
Thị trường tiềm năng
Công ty điều tra thị trường “Strategy Analytics” (SA) của Mỹ ngày 2/3 dự báo quy mô thị trường robot phục vụ sẽ tăng từ 31 tỷ USD trong năm ngoái lên 122 tỷ USD năm 2024. Số lượng robot sẽ tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Robot phục vụ được chia làm hai loại chính là robot phục vụ chuyên môn và robot phục vụ cá nhân. Robot phục vụ chuyên môn là robot làm những công việc vận chuyển hàng hóa, y tế, các công việc hướng dẫn, quảng bá (PR) ở cửa hàng, sân bay, sảnh tòa nhà, nhà hàng. Tuy có số lượng ít nhưng giá các loại robot này lại cao hơn so với robot phục vụ cá nhân.
Trong năm ngoái, robot phục vụ chuyên môn chiếm 70% toàn bộ thị trường robot (22 tỷ USD), dự kiến sẽ tăng lên thành 78% tới năm 2024. Trong đó, robot PR dự kiến sẽ tăng từ 550 triệu USD lên 7,5 tỷ USD năm 2024.
Một quan chức doanh nghiệp cho biết thị trường robot phục vụ đang tăng trưởng mạnh, cuộc cạnh tranh robot giữa các doanh nghiệp toàn cầu hứa hẹn sẽ ngày một khốc liệt hơn. Những công việc đơn giản, lặp lại sẽ do robot đảm nhiệm, con người sẽ có thể tập trung vào những công việc có giá trị cao hơn.
Điều này đặt ra tính cấp thiết cần có một chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng robot không chỉ trong sản xuất mà còn phục vụ các mục đích phục vụ, như trong lĩnh vực y tế. Được biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì Chính phủ sớm có Chương trình hành động, trong đó sẽ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng ngành robot công nghiệp quốc gia; đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một chương trình nghiên cứu trọng điểm về tự động hóa và robot.