RCEP là thông điệp mạnh mẽ, khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do. Liệu có đủ sức vực dậy ASEAN tan hoang sau đại dịch COVID-19!
Có thể nói, đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến trong lịch sử 53 năm qua của ASEAN. Trên thực tế, năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã đi hết một nửa thời gian trong không khí “ảm đạm” của các nền kinh tế toàn cầu khi “bóng ma” COVID-19 đang diễn biến một cách khó lường.
Do vậy, hầu hết các vấn đề được đặt ra trong hội nghị trọng tâm hướng đến “sự hợp tác, quan hệ đối ngoại của khu vực, quốc tế và chiến lược phục hồi kinh tế”.Thời điểm này, ngoài những nỗ lực ứng phó dịch bệnh COVID-19 của ASEAN, cả ba trụ cột lớn bao gồm: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội cũng đang được hội nghị quan tâm đề cập, nổi bật trong đó là thảo luận về việc hoàn tất và ký kết “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” (RCEP) trong năm 2020.
Có thể nói, RCEP là thông điệp mạnh mẽ, khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh tại khu vực.
Trải qua nhiều vòng đàm phán kể từ năm 2012, RCEP là một hiệp định được ký kết giữa ASEAN và 6 thành viên đối tác khác bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.Hiệp định này được đánh giá là một FTA cực kỳ quan trọng và lớn nhất trên thế giới với một thị trường khổng lồ lên đến trên 24 nghìn tỷ USD và 2,3 tỷ người.
RCEP được kỳ vọng sẽ đem lại sự tăng tưởng thương mại to lớn trong ASEAN +6 bằng những động thái miễn giảm thuế quan, chuẩn hóa các quy tắc và thủ tục hải quan, mở rộng thị trường và tự do thương mại. Theo như Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, Trần Tuấn Anh cho biết, RCEP sẽ tạo ra một thị trường với quy mô 3,5 tỷ người tiêu dùng cùng mức GDP xấp xỉ 4,9 nghìn tỷ USD, chiếm đến 39% GDP toàn cầu.
Trong thời điểm này, khi nền kinh tế toàn cầu đang chìm trong cơn suy thoái trầm trọng, RCEP có thể sẽ đem lại những “liều doping cần thiết” để vực dậy một nền kinh tế khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng và biến động.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù RCEP mang lại khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn nhưng kèm theo đó là những thách thức không nhỏ cho các nước ASEAN. Bởi một trong những chính sách quan trọng của RCEP là loại bỏ thuế quan giữa các thành viên trong ASEAN+6, điều này có thể sẽ khiến các nhà xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN gặp phải những thách thức từ các thị trường tự do thương mại khác cho các loại hàng hóa không thuế.
Bên cạnh đó, hội nghị còn đề cập đến các vấn đề chính trị-an ninh trong khu vực, với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam chủ động đề cập và nhấn mạnh các nguyên tắc về quyền tự do hàng hải đã được quốc tế lên tiếng ủng hộ để đảm bảo lợi ích biển đảo của các nước trong khu vực. Đặc biệt, trong tình hình những hành động “gây hấn” trên Biển Đông của Trung Quốc đang diễn ra một cách liên tục và có chủ đích.
Nhìn từ quan điểm chung của ASEAN có thể thấy, khái niệm trung lập của khối luôn được thể hiện trong mong muốn về một khu vực hoà bình và ổn định. Theo đó, tính trung lập của khu vực đang được ASEAN thể hiện trong hai vấn đề chính, gồm xung đột Mỹ-Trung và tranh chấp tại Biển Đông.
Như phát biểu của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị: “ASEAN là cộng đồng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN sẽ cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế”.
Nguyễn Chuẩn